“Thế giới chó” cách thủ đô Seoul hơn 1 giờ xe buýt, trong một khuôn viên đẹp đến nỗi tất cả các thành viên trong đoàn nhà báo VN đều “bước đi một bước lâu lâu lại dừng” để... chụp ảnh. Ở đây có đến 4 khu vực khác nhau, chia thành 4 trung tâm: Chó cảnh, chó trợ giúp, chó nghiệp vụ, chó cứu hộ; và đương nhiên không thể thiếu trung tâm... phối giống chó. Lạ nữa, vào thăm “thế giới chó”, nhưng không hề nghe tiếng chó sủa; chỉ phảng phất... mùi chó và những cái đuôi quăn tít vẫy mừng.
“Ngôi sao” Han book
Han book (Hạnh phúc) là một chú chó giống Labrador, cao to, lông mượt. Tại trung tâm chó trợ giúp, chú được xem là một “ngôi sao” thực sự, vì đã từng tham gia đóng phim Hàn với cái tên My love Toram. Và chú cũng là một diễn viên biểu diễn cho chúng tôi xem các kỹ năng dẫn đường, vượt qua đủ các chướng ngại vật, địa hình khác nhau như cầu, gốc cây, đường dốc... Han book là một trong số hơn 50 chú chó đang được huấn luyện tại trung tâm để dẫn đường cho người khiếm thị. Để “tốt nghiệp” ra trường, chú phải trải qua 6-8 tháng huấn luyện nghiêm ngặt bởi các chuyên gia từng được đào tạo với những người huấn luyện chó hàng đầu của Vương quốc Anh. Chi phí trung bình để huấn luyện, nuôi một chú chó dẫn đường khoảng từ 50.000 - 60.000 USD do Samsung tài trợ. Sau khi “tốt nghiệp” với bằng thật hẳn hoi, các chú chó này được tặng miễn phí cho những người khiếm thị, người cao tuổi có nhu cầu cần chó dẫn đường. Hết thời hạn phục vụ, đến tuổi “về hưu”, các chú chó này sẽ được các gia đình Hàn Quốc yêu chó nhận về nuôi.
Giáo dục “chó hư đường phố”
Khác với chó dẫn đường cao to, đẹp mã, được sinh ra từ bố mẹ có địa chỉ thường trú tại trung tâm chó giống; chó trợ thính nhỏ bé dễ thương, phần lớn được nhặt về từ đường phố. Đó là những chú chó bị bỏ rơi, nếu không được đưa về “thế giới chó” này thì sẽ bị đánh thuốc mê để chết nhẹ nhàng tại các nơi thu gom chó vô chủ. Việc huấn luyện các chú chó đường phố cũng vất vả hơn vì chúng từng sống “bụi đời”, dù khóa huấn luyện chỉ 6 tháng. Đó là dạy các chú cách phân biệt âm thanh trong nhà, từ tiếng chuông điện thoại cho đến tiếng khóc của em bé để có thể báo cho chủ.
![]() |
Những chú chó được nuôi ở trung tâm nuôi chó |
Và vì đã nhiễm các “thói hư tật xấu” của “chó bụi đời”, nên chỉ riêng việc dạy các chú không sủa bậy, ị bậy đã là cả một vấn đề. Bù lại, các chú rất nhanh nhẹn và được việc. Hiện trung tâm dịch vụ chó trợ giúp và trường nuôi chó dẫn đường cho người khiếm thị của Samsung có một đội chó trợ giúp với 120 con đã tốt nghiệp; gần 50 con đang được huấn luyện. Trung tâm đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Chó trợ giúp quốc tế (ADI); góp phần cùng Ủy ban Quyền con người Hàn Quốc đẩy mạnh việc chống phân biệt đối xử với người khiếm thị. Năm 2002, Hàn Quốc đã thông qua luật cho phép chó và người khiếm thị có thể vào bất cứ nơi công cộng nào, như nhà hàng, máy bay, xe buýt...
Chó tìm kiếm và cứu hộ
Trung tâm chó nghiệp vụ là chương trình mới nhất của Samsung. Tại đây, chó được huấn luyện để phát hiện ma túy, chất nổ. Hiện tại trung tâm đang có 18 chú chó tìm kiếm và cứu hộ được chứng nhận “tốt nghiệp” khóa đào tạo, đang sẵn sàng làm nhiệm vụ, 17 chú chó đang được huấn luyện nghiêm ngặt bởi các chuyên gia. Trong thời gian 2 năm, các chú chó này được dạy nghe lời, các kỹ năng xã hội, kỹ năng tìm kiếm và cứu hộ (kể cả kỹ năng phân biệt người sống-chết), kỹ năng theo dõi... Ngoài chương trình bắt buộc trên, các chú chó này còn được dạy phối hợp với cứu hỏa, cảnh sát... trong các chương trình cấp cứu khác. Đến nay, trung tâm đã tặng 23 chú chó cho công an, quân đội Hàn Quốc, Cục Trợ giúp khẩn cấp quốc gia. Chó tìm kiếm và cứu hộ của Samsung cũng đã tham gia nhiều hoạt động cứu hộ quốc tế; trong đó có trận động đất ở Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999. Trung tâm còn có khu nghiên cứu và phát triển khứu giác chó, cùng một thư viện chuyên ngành... chó với khoảng 400 đầu sách và tạp chí.
Ngoài những chú chó được huấn luyện với những trọng trách đặc biệt trên, “thế giới chó” của Samsung còn cung cấp những chú chó thể thao kiệt xuất. Năm 2005, đội thể thao chó của Samsung đã đại diện Hàn Quốc tham dự cuộc thi vô địch giải đua chó thế giới tại Scottsdale, Arizona... đánh dấu sự tham gia đầu tiên của Hàn Quốc vào môn thể thao độc đáo này.
“Thế giới chó” đã cho chúng tôi một ấn tượng đẹp, không chỉ vì ý nghĩa xã hội của nó mà còn bởi một ý thức cộng đồng của một tập đoàn tên tuổi. Trả lời câu hỏi, tại sao lại đầu tư cho một “thế giới chó” không ít tốn kém như vậy, cô Jennifer Kim, phụ trách trung tâm chó cảnh, chó trợ giúp và trường nuôi chó dẫn đường, nói giản dị: Trong một môi trường làm việc và bận rộn như hiện nay, việc chăm sóc và gần gũi vật nuôi sẽ giúp chúng ta thư thái, nhẹ nhàng hơn. Mối quan hệ giữa người và vật nuôi - đặc biệt với chó - sẽ góp phần làm cho con người bớt ích kỷ và sống tốt hơn. Quan trọng hơn, những nhà lãnh đạo Samsung tin rằng việc coi trọng và bảo vệ động vật là một trong những việc làm có ý nghĩa để đóng góp vào cộng đồng.
Bình luận (0)