xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình người xóm Lẫm

Bài và ảnh: Quang Vinh

17 năm nay, hơn 20 hộ dân ở xóm Lẫm (xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cùng nhường cơm sẻ áo để nuôi một người phụ nữ bị tâm thần

Chúng tôi về xóm Lẫm trong những ngày cây cỏ đơm hoa kết trái đón đợi mùa Xuân mới. Ánh nắng vàng hắt lên từ cánh đồng mạ non soi rọi vào những nóc nhà cũ khiến khung cảnh làng quê hiện lên thật trữ tình và ấm áp. Ấn tượng đầu tiên khi đến xóm Lẫm là con đường đất dẫn vào xóm nhỏ được người dân quét dọn sạch bong.

Một cuộc đời bi kịch

Ông Ngô Quang Vinh, trưởng thôn Phước Thạnh (xã Tam Thạnh) - với 4 nhiệm kỳ làm trưởng thôn - là chứng nhân và cũng là người viết trang mở đầu cho câu chuyện cổ tích thấm đẫm tình người nơi xóm Lẫm. Nhấp ngụm nước trà, ông bắt đầu kể về cuộc đời đầy khổ hạnh của bà Phạm Thị Sòng (61 tuổi), người mắc bệnh tâm thần được xóm Lẫm cưu mang 17 năm nay.

 

Bà Phạm Thị Sòng (bìa trái) dùng bữa cơm trưa do nhà bà Bùi Thị Thu Tuyết nấu dọn
Bà Phạm Thị Sòng (bìa trái) dùng bữa cơm trưa do nhà bà Bùi Thị Thu Tuyết nấu dọn

 

Mất mẹ từ nhỏ, những năm chiến tranh, Phạm Thị Sòng theo cha rời xóm Lẫm lưu lạc vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống. Sau giải phóng, hai cha con trở về quê hương lập nghiệp. Hạnh phúc đến với cô thôn nữ nghèo khi gặp được một người đàn ông tốt bụng yêu thương. Thế nhưng, trước ngày tổ chức lễ cưới, người ấy đột ngột qua đời. Dù mới làm lễ ăn hỏi nhưng Phạm Thị Sòng quyết định thủ tiết thờ chồng, dành thời gian chăm sóc cha già. Năm 1992, người cha bỏ bà ra đi do bệnh nặng. Chịu hai cú sốc quá lớn, lại không nơi nương tựa, bà Sòng phát điên.

Vào thời điểm này, dù lúc tỉnh lúc mê nhưng bà Sòng vẫn đi làm thuê trong thôn để kiếm sống qua ngày. Cho đến một ngày vào năm 1998, người dân xóm Lẫm không còn thấy người phụ nữ “điên điên” ấy nữa. Biết có chuyện chẳng lành, ông Vinh tìm đến nhà thì thấy bà Sòng bệnh nặng, nằm liệt giường. Bốn ngày không ăn uống, không ai chăm sóc, bà Sòng thoi thóp. Ông Vinh tức tốc đi gọi y tá đến khám, bốc thuốc chạy chữa cho bà. Suốt gần 5 tháng, vợ chồng ông trưởng thôn thay phiên nhau chăm sóc bà Sòng như người ruột thịt. Rồi bà khỏe lại nhưng đôi chân bị teo rút, căn bệnh tâm thần cũng trở nặng. Bà mê nhiều hơn tỉnh; cứ bò lết, đập phá mọi thứ.

Ông Vinh họp với bà con xóm Lẫm bàn cách giúp bà Sòng. Mọi người nhất trí từng gia đình sẽ luân phiên chăm lo cơm nước cho bà; còn việc vệ sinh hằng ngày thì chị em phụ nữ đảm nhiệm. “Tôi rất vui khi 100% hộ dân xóm Lẫm đồng ý cưu mang bà Sòng, không để bà ấy sống chết vì bệnh tật, đơn chiếc” - ông Vinh kể.

Bắt đầu từ đó, hơn 20 hộ dân ở xóm Lẫm đều đặn thay phiên nấu cơm và chăm sóc bà Sòng mỗi ngày. Gia đình họ ăn gì, bà Sòng ăn nấy. Tình cảm ấy được duy trì đã hơn 15 năm...

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con xóm Lẫm còn góp tiền của và công sức xây căn nhà nhỏ cho bà Sòng ở. Mới đây, có một khoản tiền nhỏ từ các nhà hảo tâm giúp đỡ, bà con xóm Lẫm lại tiếp tục góp thêm tiền và bỏ công xây lại mộ phần cho cha mẹ bà Sòng. “Từ việc lớn đến việc nhỏ, chúng tôi đều bàn bạc và chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả kêu thợ chụp ảnh cho bà Sòng, lỡ không may xảy ra chuyện thì còn có cái ảnh để mà thờ” - ông Vinh chia sẻ.

Bài học về lòng nhân ái

Đến ngôi nhà nhỏ của bà Phạm Thị Sòng nằm bên đường, chúng tôi có phần bất ngờ vì thực tế khác xa so với tưởng tượng. Căn nhà không có gì đáng giá nhưng được dọn dẹp hết sức gọn ghẽ. Bà Sòng nằm trên chiếc giường nhỏ rên rỉ, khi nghe tiếng người nói thì bật dậy. Gương mặt người phụ nữ khắc khổ điểm nhiều nếp nhăn, mái tóc chớm bạc được buộc gọn. Ban đầu, bà Sòng sợ người lạ nên liên tục đưa tay che mặt nhưng sau đó thì tỏ ra hết sức vui vẻ. “Các anh đã may mắn khi hôm nay bà Sòng có tâm trạng tốt. Mỗi khi phát bệnh, bà đập phá tất cả đồ đạc, kể cả quần áo, chăn màn. Bà con xóm Lẫm hằng ngày luôn ghé qua trông chừng, nhất là vào những ngày mưa” - ông Vinh cho biết.

Hơn 11 giờ, bà Bùi Thị Thu Tuyết (55 tuổi) mang cơm đến cho bà Sòng. Bữa cơm trưa tương đối tươm tất, gồm: cá, thịt, rau sống và một ít canh. Nhà có 7 miệng ăn, bữa cơm của gia đình bà Tuyết thường ngày đạm bạc nhưng hôm ấy đến phiên nên bà “đầu tư” thêm để tẩm bổ cho bà Sòng.

Nhà bà Sòng hôm có “nhà báo về” đông vui hơn hẳn bởi người dân kéo đến nhiều. Nhờ đó, bà Sòng bật cười và ăn rất ngon miệng. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm dạt dào của người dân xóm Lẫm dành cho người đàn bà bất hạnh này. Ông Ngô Quang Vinh cho rằng nếu ví xóm Lẫm như một gia đình thì bà Sòng là một thành viên trong gia đình ấy. Nhiều năm nay, bà Sòng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Bà cũng là người kết nối cho những tình cảm nảy nở, kết nối cho các thế hệ già trẻ cùng nhau làm việc thiện. “Chúng tôi chăm sóc bà Sòng vì cái tình người, qua đây còn giáo dục các thế hệ con cháu về lòng yêu thương người gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống” - ông Vinh bộc bạch.

 

Chốn bình yên

Người dân xóm Lẫm có tinh thần tương thân tương ái từ lâu. Ngày trước, dân làng nơi đây cùng trồng lúa, đến mùa thu hoạch đưa vào một dụng cụ đựng lúa gọi là cái lẫm để cả làng ăn chung. Nhiều người từ địa phương khác đến đây thấy chuyện kỳ lạ nên gọi khu dân cư này là xóm Lẫm. Trưởng thôn Ngô Quang Vinh cho biết người dân xóm Lẫm chủ yếu làm rừng và trồng lúa, tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng ở nơi đây rất yên bình, chưa bao giờ xảy ra mất trộm dù chỉ một con gà!

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo