“Tẩu hỏa nhập ma!”
Tôi tìm đến một phòng tập trên tầng 2 của trung tâm văn hóa quận X nằm trên đường Ba Tháng Hai (TP.HCM). Phòng có khá đông học viên, khoảng 30 người. Trong phòng tập hết sức ồn ào. Từ dưới đất vọng lên tiếng nhạc ì đùng của dàn âm thanh “hi-fi” làm không khí trong phòng như đang tập thể dục thẩm mỹ. Chưa hết, bên cạnh là phòng sinh hoạt của một đội văn nghệ nên trống nhạc cũng xập xình làm tăng âm thanh hỗn hợp khó có thể tập trung. Chỉ mới vài động tác khởi động, trống ngực tôi đã đập thình thình, mắt hoa đầu nặng, hơi thở nặng nề. Kết thúc buổi tập, các cô gái trẻ xúm xít dưới sân, săm soi cái bụng. Một cô than thở: “Thầy nói tập yoga hiệu quả hơn thể dục thẩm mỹ nhiều, mà sao chưa thấy cái bụng nó xuống vậy kìa!”. Cô khác thì rên: “Nghe tiếng nhạc không thôi cũng đủ chóng mặt rồi”.
Theo bác sĩ Trương Thìn - chủ tịch Hội Đông y - châm cứu TP.HCM, một trong những đặc điểm của yoga là làm tâm hồn con người được thanh thản, có tác dụng làm dịu thần kinh, giảm stress, giải tỏa được lo lắng trong đời thường. Nếu tập đúng cách sẽ đạt được kết quả mong muốn, còn quá đà thì chuyện “tẩu hỏa nhập ma” là điều tất yếu. Không ít người trở nên trầm uất, thậm chí bệnh tâm thần. Tai hại hơn, tập yoga không đúng cách sẽ tạo cho người tập có trạng thái tâm linh huyền bí, sinh hoạt lúc nào cũng “lơ mơ” như đang ở... trên mây.
Tôi lại tìm đến phòng tập tư nhân trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10). Người ta nói tập yoga phải trong bầu không khí thoáng mát, trong lành và yên tĩnh, nhưng không hiểu sao chủ nhà cho bố trí hẳn chiếc máy lạnh mở hết cỡ. Học viên ngồi tập thiền ngay trước luồng hơi lạnh thổi ra phù phù, nhiều người run cầm cập, thiếu hẳn sự tập trung, vậy mà “thầy” cứ một, hai “hít hít, thở thở...”.
Trần Thị L.A., một nhân viên kế toán của công ty nước ngoài, vẫn thường tuyên bố với bạn bè: “Thể dục thẩm mỹ bây giờ xưa rồi. Có bao nhiêu làm đi làm lại hoài chán ngắt. Tập yoga “trí tuệ” hơn nhiều, cơ thể lại mau “nhon” hơn nhờ chế độ ăn... chay”. Cách tập yoga của L.A. cũng khá lạ, mặc đồ như thể dục thẩm mỹ, tai còn đeo lủng lẳng cái máy MP3 để nghe nhạc hip hop!
Không ít người tập không đúng cách hoặc lạm dụng yoga đã gặp sự cố sau khi tập. Anh Nguyễn Thành L. (ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) cho biết do ăn nhậu nhiều bụng phệ và... làm biếng nên vợ chê quá xá. Nghe nói tập yoga sẽ làm sung sức nên anh đi tập ngay. Vì nôn nóng mau có kết quả nên anh chỉ tập trung các động tác ở cơ lưng và bụng. Không ngờ sau vài buổi tập anh bị “đơ” cái lưng. Đau tới nỗi đi tới đi lui phải có người dìu. Anh hốt hoảng tưởng mình bị liệt nên cấp tốc đi bác sĩ mới biết ở tuổi 50, hoạt động quá tải cơ lưng nên bị viêm cơ.
Còn chuyện của chị H.Y. ở phường Bến Nghé (quận 1) thì hậu quả nặng hơn. Ở tuổi 45, thân hình phốp pháp. Thấy mấy em trẻ tập sao mà tươi tắn và thân hình cân đối “ngon” quá, chị hỏi xin theo tập. “Thầy” hướng dẫn chị mấy tư thế “trồng cây chuối”, “uốn cánh cung”, nào ngờ chỉ được ba buổi tập lưng của chị đau nhức kinh khủng. Đi bác sĩ thì mới biết chị có tiền sử bệnh thần kinh tọa; cần tập luyện nhẹ nhàng chứ không phải mạnh bạo như thế. Một tháng nay chị đã ngưng tập, nhưng cái lưng vẫn còn đau nhức, thậm chí đau hơn hồi trước khi bị bệnh. Anh Trương Trọng Th. tuy là một bác sĩ, có phòng mạch riêng nhưng cũng chạy theo phong trào yoga, mà sau một thời gian tập anh trở nên “hiền lành” đến mức khó tin. Rồi anh giữ mình “chay tịnh” luôn, vừa ăn chay vừa không “rớ” gì tới... vợ. Vợ anh đâm hoảng, đưa anh khám bác sĩ. Kết quả, bác sĩ nói anh bị chứng tâm thần phân liệt do thiền sai phương pháp.
Để khỏe với yoga
7 giờ tối, theo lời giới thiệu của nhiều người tập yoga có hiệu quả, tôi tìm tới điểm tập ở CLB Yoga Sài Gòn. Đó là một căn nhà nằm trong một con hẻm yên tĩnh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Li Lam - một cô bạn đã tập yoga lâu năm - dẫn tôi lên lầu, đã thấy có chừng 15-20 người đang tập, không gian yên tĩnh. Các học viên tập trung vào các tư thế, không ai trao đổi nhau câu nào. Li Lam nhắc tôi tắt điện thoại di động, tháo đồng hồ đeo tay cất đi. Cô nói thì thầm: “Yên tĩnh tuyệt đối và thân thể thoải mái không vướng víu là ưu tiên hàng đầu ở đây”.
Một tư thế tập yoga |
Thầy tuổi chừng 35, người ốm, dáng mảnh mai, tên là Kevin Murphy. Suốt một giờ rưỡi, cả thầy và trò đều tập trung thực hiện một chuỗi động tác yoga (thường gọi là Asanas) phức tạp. Giọng thầy vẫn vang đều hướng dẫn từng động tác, đặc biệt anh nhấn mạnh khi nào thở ra, hít vào hoặc ém hơi thật kỹ lưỡng. Li Lam nhắc tôi: “Anh nhớ thở thật đúng nhé, vì đó là một trong những đặc điểm quan trọng của yoga đó”. Tôi gật đầu rồi hết sức tập trung vào bài tập. Các học viên khác đã qua các động tác khó hơn như: trồng chuối ngược (đứng bằng đầu), uốn cánh cung (đứng lộn người ngược ra sau), cây compa (đứng một chân, tay níu chân kia giơ thẳng lên cao rồi quay tròn như cây compa)... Đặc biệt, thầy Kevin có động tác hết sức thuần thục. Anh ngồi bẹp, duỗi thẳng hai chân ra phía trước rồi chống tay nâng cả thân người lên khỏi mặt đất. Anh nín hơi giữ yên như thế trong khoảng một phút mới buông xuống, giống như vận động viên thể dục dụng cụ thực thụ. Chúng tôi thực hiện bài cuối cùng là “ngồi hoa sen” (ngồi xếp bằng, hai chân bắt chéo lên đùi) rồi thở ra nhè nhẹ. Sau buổi tập, trông ai cũng vui vẻ, tươi tỉnh và lạc quan.
Li Lam cho biết muốn biết mình tập yoga đúng cách hay không, chỉ nhìn vào thiết kế phòng tập là biết ngay. Trước tiên là phải yên tĩnh tuyệt đối, kế đến là phương pháp tập kết hợp hài hòa giữa thiền, các tư thế của cơ thể và kiểm soát hơi thở. Cuối cùng, sau buổi tập, học viên cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, đầu óc thanh thản, bước đi khoan thai là coi như tập đúng cách.
Còn ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM, buổi sáng khi tôi đến thì học viên đã tập trung đông đủ, ước khoảng 25 người, đa số đều đã đứng tuổi. Có lẽ vì vậy nên các bài tập cũng tương đối nhẹ nhàng phù hợp lứa tuổi. Do chương trình tập theo phương pháp Nguyễn Khắc Viện nên người tập được hướng dẫn cách thở “bốn thì”: hít vào (thật sâu), giữ hơi, thở ra, giữ hơi. Phòng tập là một sảnh rộng của hội trường tầng trệt, các cửa rộng mở để lấy không khí tự nhiên. Đa số người tập đều nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa bệnh tật.
Chú Trị, 59 tuổi, Việt kiều Pháp, cho biết chú đã hai lần mổ tim, tưởng chừng không sống nổi, nhưng tập ở đây một năm qua thì thấy rất khỏe. Giờ đây chú ăn ngon, ngủ tốt và lên cân. Còn chú Vũ, 62 tuổi, một thành viên trong nhóm, cho biết chú cũng bệnh tim, từng “nông” động mạch vành một lần và nay đã khỏe khoắn nhờ tập yoga thường xuyên. Trước đây chú ngồi lì trong nhà, đi đứng khó khăn. Nhưng nay mỗi ngày chú đều tự đi xe gắn máy từ Thủ Đức đến đây tập mà vẫn khỏe khoắn bình thường.
Bình luận (0)