100 vết cắn và 200 bò cạp giống
Lê Thanh Tùng từng được biết đến như là người nuôi dế độc nhất vô nhị ở Việt Nam, giờ tận mắt chứng kiến trại bò cạp trên 3.000 con do một tay anh gầy dựng lại càng nể phục hơn ý chí và sự chịu khó của chàng trai nghèo đất Củ Chi này. Tuy nhiên ít ai biết, để có được số bò cạp này, lúc đầu anh phải đi đào hang bắt từng con. Chìa bàn tay sần sùi và chi chít những vết cắn của bò cạp, anh nhớ lại: “Lúc đó không biết, hôm nào đi bắt cũng bị bò cạp cắn vài ba phát, mỗi lần bị cắn bàn tay đau buốt, tê dại cả mấy tiếng đồng hồ. Tính đến lúc mình bắt được 200 con về làm giống thì có đến gần một trăm lần bị cắn”. Hỏi về kinh nghiệm bắt bò cạp, anh bật mí: “Tiếp xúc với chúng phải hết sức nhẹ nhàng. Giống bò cạp không ưa “bạo lực”, mình chạm mạnh vào nó là bị tấn công ngay”.
Sau một thời gian nuôi thử, đàn bò cạp cứ teo tóp rồi chết dần, anh Tùng rầu nẫu ruột. Bò cạp kén ăn đặc biệt, cho thứ gì vào hang cũng không thèm đá động. Hỏi thăm khắp nơi nhưng cũng chẳng ai biết được bò cạp ăn thứ gì để lớn. Nghĩ mãi, cuối cùng anh Tùng thử lấy dế làm mồi cho chúng. Giống như những lần trước, nghĩ lũ bò cạp cũng chẳng thèm ăn, anh rải đại mấy con dế vào rồi bỏ đi. Lúc sau quay lại, anh vui sướng nhảy cẫng lên khi thấy những con dế đã bị chén sạch.
Thế là hằng ngày anh lựa những con dế nuôi ốm yếu, sắp chết ở trại để làm thức ăn cho bò cạp. Ngoài ra, anh mua thêm cá sống về băm cho bò cạp ăn dặm.
Ước mơ trang trại côn trùng
Khi đã có thức ăn khoái khẩu, lũ bò cạp lớn lên trông thấy. Bò cạp khó nuôi nhưng khi đã sống được thì chúng sinh sản rất nhanh, mình không phải lo chuyện sinh nở của chúng - anh Tùng cho biết. Bắt một con bò cạp to bằng ngón tay cái đưa cho tôi xem, anh giới thiệu: Con này bán được 4.000 đồng, nhỏ hơn một chút là 3.000. Mỗi đợt bán trăm con cũng được vài triệu đồng”.
Tự tay làm bếp, anh mời chúng tôi dùng thử một đĩa dế sữa và một đĩa bò cạp chiên giòn. Đĩa thịt dế chiên thơm phức, càng ăn càng bắt mồi. Nhìn sang đĩa bò cạp chẳng thấy ai động đũa, anh Tùng gắp trước một con bỏ vào miệng nhai ngon lành, rồi khích lệ: “Trông bề ngoài nó dễ sợ vậy chứ thịt rất ngon. Món này giờ ở nhà hàng là đặc sản, không phải chỗ nào cũng có”. Tôi cũng thử cắn một miếng, thì ra thịt bò cạp cũng béo và bùi như thịt dế vậy. Trong những món anh đãi chúng tôi, đặc biệt nhất là chai rượu dế. Tôi cũng từng uống nhiều loại rượu, nhưng chưa có thứ rượu nào mùi vị thơm lạ và nồng nàn như loại rượu này. Anh nói: “Đây chỉ là rượu gạo do gia đình tự nấu nhưng được ngâm với những con dế thịt ngon nhất nên uống rất bổ dưỡng”. Nhấp một ly rượu, anh như nói với chính mình: “Sau này có nhiều vốn, mình sẽ thành lập hẳn một trang trại nuôi côn trùng để chuyên cung cấp những món ngon, lạ cho những quán ăn ở Sài Gòn”. Nhìn ánh mắt anh đầy vẻ cương quyết, tôi nghĩ chắc anh sẽ làm được. Chẳng phải anh đã nuôi thành công hai con vật “không tưởng” là dế và bò cạp đấy sao.
Bình luận (0)