Nhìn bề ngoài, những người bệnh tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 không khác lắm so với những người bình thường. Họ vẫn cảm nhận được cuộc sống trôi qua từ một lăng kính khác.
Những người tỉnh táo nhất
Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh, trưởng khoa phục hồi chức năng, đồng ý cho tôi nhập vai một bệnh nhân tâm thần để vào cùng ở với các bệnh nhân trong khoa. Sau khi phát cho tôi một bộ đồng phục của bệnh nhân cùng đôi dép nhựa, mùng, mền, chiếu và gối, y tá Nguyễn Thị Ánh Gioan cùng các nhân viên của khoa dẫn tôi vào nhà bệnh nhân nam.
Đó là căn phòng dành cho các bệnh nhân, phần lớn mắc căn bệnh tâm thần phân liệt, hoang tưởng. Đã sau giờ ăn chiều, các bệnh nhân đang ngồi trò chuyện ở các ghế đá trước cửa phòng. Y tá Gioan chỉ tôi, nói với mọi người: “Giới thiệu với mọi người, anh này là bệnh nhân mới. Mọi người phải nhớ thương yêu và giúp đỡ bạn của mình”. Cả phòng òa lên vui sướng: “Có bạn mới, có bạn mới”.
Một thanh niên có gương mặt khá hiền, điềm đạm bước lại vỗ vai tôi một cách thân thiện: “Em tên là Trần Anh Văn, tức là tiếng Anh đó. Nhà em ở Cần Thơ. Còn anh tên gì? Nhà ở đâu? Anh bị sao mà lại vào đây, điên à?”, Văn hỏi tôi như một người hoàn toàn tỉnh táo.
Chưa kịp để tôi tự giới thiệu, Văn trổ tài làm bác sĩ ngay: “Ừa, vậy là anh bị bệnh tâm thần rồi. Nhìn cặp mắt anh em thấy anh rất lờ đờ, tâm thần là chắc rồi. Nhớ đừng có uống rượu, hút thuốc lá và suy nghĩ nhiều thì mới hết bệnh được”.
Tôi hỏi Văn vì sao phải vào viện, Văn liếc tới liếc lui rồi kề tai tôi nói nhỏ như sợ mọi người nghe thấy: “Anh đừng kể ai nghe, hồi năm 14 tuổi em quen một người con gái rồi bị cô ta làm mất đời con trai nên phát bệnh luôn. Giờ thì em hết bệnh rồi, ở đây cho vui thôi!”.
Bác sĩ Khanh đứng kề bên cười: “Văn khuyên người ta chứ Văn biết mình vừa mới làm điều dại dột lắm nhớ không? Lần sau không được làm như vậy nữa nghe”. Văn bỗng dưng trở nên bối rối, gãi gãi đầu rồi lại cười, đáp: “Dạ, con nhớ rồi thầy. Tại lúc đó tự dưng con cảm thấy chán đời quá”. Bác sĩ Khanh cho biết mới hôm trước Văn đã bị đưa đi cách ly vì có ý định treo cổ tự tử.
Phóng viên (thứ hai từ phải sang) sinh hoạt chung với bệnh nhân tâm thần |
Một bệnh nhân tên Việt lăng xăng chạy lại dắt tay tôi dẫn vào phòng, bàn giao chiếc giường sắt còn trống trong góc cho tôi, người khác lăng xăng giúp tôi kê lại chiếc giường sắt, người thì lại nhất quyết nhường hẳn cho tôi... bộ đồ anh đang mặc.
Văn móc túi lấy 1.000 đồng gửi người mua một ly trà đá để đãi bạn mới. Tôi lấy trong túi áo ra gói thuốc lá đi một vòng mời các bệnh nhân, gương mặt người nào cũng rạng rỡ, cầm lấy hai tay rồi cảm ơn rối rít.
Tôi vừa ngồi xuống giường thì một bệnh nhân nam bước lại tự giới thiệu bằng giọng Huế: “Anh là Tuấn. Anh là họa sĩ và muốn khẳng định lại giá trị trong ký tự ABC của Alexandre de Rhodes. Tụi mình là bạn của nhau nghe. Có gì khó khăn nhớ nói anh giúp đỡ, chỉ có mấy thằng điên mới không biết thương nhau”. Tuấn khoe trước đây anh từng học năm 3 đại học ngành mỏ - địa chất.
Ngồi giường đối diện, người thanh niên tự giới thiệu mình tên Trần Hữu Vụ, quê ở Bắc Ninh, 32 tuổi, dặn tôi: “Anh vào đây là nhớ phải nghe lời các thầy, các cô. Phải nhớ đúng giờ ăn, giờ uống thuốc cho điều độ. Tụi em đang chăm sóc mấy con đà điểu vui lắm, có gì em sẽ hướng dẫn cho nuôi. Ở với bọn em là yên tâm, nhớ đừng có buồn, đừng có nhớ nhà”.
Câu chuyện trong đêm
Trời tối, sau khi uống thuốc xong, các bệnh nhân được tập trung vào phòng để đi ngủ lúc 21 giờ. Theo lời các y tá, hộ lý của bệnh viện, do thường mắc chứng khó ngủ, đây là thời điểm mà các bệnh nhân thường trằn trọc, đôi khi rất tỉnh và thổ lộ với nhau nhiều nhất về cuộc đời mình. Đêm vắng lặng. Thỉnh thoảng ở một vài khu vực lân cận vọng lại tiếng la gào, chửi bới, khóc lóc thảm thiết của những bệnh nhân lên cơn kích động nặng.
“Bình ơi, mày ngủ chưa?”, tiếng bệnh nhân tên Bảo từ giường bên cạnh vọng sang. “Chưa, không ngủ được, đầu nhức quá”, tôi đáp. “Như vậy là bệnh nặng rồi. Nếu đau quá nhớ kêu mấy thầy để nhờ người ta khám cho”, Bảo thì thầm.
Bảo bước qua ngồi cùng giường với tôi rồi thút thít: “Tao thấy nhớ má tao quá”. Chưa hết câu, Bảo òa khóc như một đứa trẻ.
Rồi anh kể khá mạch lạc, hồi má anh còn sống, năm nào má cũng hay đi chùa để cầu nguyện cho gia đình mạnh khỏe, cầu nguyện cho con trai mình học giỏi. Bảo quê ở Cần Thơ, từng tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bị tâm thần phân liệt, hội chứng hoang tưởng ảo giác.
“Em chỉ mong mình mau hết bệnh, về lo cho gia đình, lo mồ mả cho má. Người ta cứ nghĩ mình điên là không biết gì. Những lúc tỉnh em nhớ hết chứ, đời ai cũng có những tâm sự buồn mà”, câu nói nghẹn ngào mà tỉnh táo trong cơn mê của Bảo làm tôi không khỏi chạnh lòng.
Đêm nay Văn không ngủ, anh cứ đi đi lại lại lòng vòng trong phòng. Thấy tôi chưa ngủ, Văn sà xuống giường tâm sự: “Anh biết không, em có một người chị gái tên Thy cũng bị bệnh giống em, ở bên dãy phòng nữ. Mấy hôm em lên cơn, chị em chăm sóc em từng chút một. Nghĩ lại mình chết thì được rồi, nhưng bỏ lại chị mình ai lo. Nhà chỉ còn hai chị em với nhau”. Văn vừa nói vừa cười, rồi lại ôm mặt khóc nức nở...
Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 đã trải qua hơn 90 năm tồn tại với nhiều lần đổi tên như Nhà thương điên Biên Hòa, Dưỡng trí viện Nam kỳ, Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa...
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đây là cơ sở điều trị ở tuyến cao nhất về bệnh tâm thần ở khu vực phía Nam. Số bệnh nhân điều trị vào lúc cao điểm lên đến 1.600 người.
Bình luận (0)