Dấn thân vào nghiệp “phù thủy”, nhiều người phải học cả đời, phải bỏ dở cả sự nghiệp, tương lai xán lạn trước mắt hoặc phải bán nhà, làm nghề tay trái nuôi đam mê. Họ đánh đổi tất cả những điều đó bằng những tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả. Song, đồng tiền cát sê mà họ nhận được thì chỉ là hạt cát so với các ca sĩ, dù cả hai cùng đứng trên sân khấu.
Bị... trời đày!
Tony Quang, tức Huỳnh Hữu Quang, là nhà ảo thuật lớn tuổi nhất tại TPHCM cũng như cả nước. Thời niên thiếu, ông được đi du học tại Pháp nhưng chàng thanh niên Sài Gòn tình cờ lại bị ảo thuật mê hoặc. Chuyện từ bỏ việc học ngành kỹ sư cơ khí theo ý nguyện của cha mẹ để đi theo nghiệp ảo thuật bắt đầu từ năm ông Quang chưa đầy 20 tuổi. Vị “phù thủy” già nhớ lại: “Cha mẹ gửi tôi sang Pháp du học, nhưng khi đó không hiểu run rủi thế nào mà tôi lại bị bùa mê từ ảo thuật”. Sư phụ đầu tiên của Tony Quang là Tony Jaccollote, người sau này dã dẫn dắt ông vào trường ảo thuật của Pháp học. Quang trở thành người VN đầu tiên được đào tạo ảo thuật ở Pháp. Trốn học ngành kỹ sư để đi theo học ảo thuật không bao lâu, Quang bị cha mẹ gọi về nước để cùng gia đình quản lý số gia sản khổng lồ ở Sài Gòn.
Song, niềm đam mê ảo thuật đã ngấm vào máu chàng trai trẻ. Ông Quang chưa chịu vừa lòng với những vốn liếng cơ bản đã học được ở Pháp mà còn sang các nước châu Á tầm sư học đạo. Đông Phương Khánh, Phùng Duy Bài, những ảo thuật gia nổi tiếng Trung Quốc, cũng là sư phụ của ông Quang từ những năm 1970. Suốt mười mấy năm ròng, ông Quang say sưa tìm hiểu, học hỏi về ảo thuật, đem tiền gia đình đi tầm sư khắp nơi. “Gia đình ngăn cấm nhưng tôi vẫn cứ như con thiêu thân lao vào nghề này. Nhiều người bảo tôi bị ảo thuật mê hoặc không dứt ra được. Đúng là nghề này càng theo càng ham”- ảo thuật gia Tony Quang nói.
Ảo thuật lấy đi của ông Quang nhiều thứ: Tương lai xán lạn, gia sản mà cha mẹ để lại..., nhưng ông không tiếc. Đến với ảo thuật, ông tìm được người bạn đời và cũng là bạn diễn của mình, bà Lan Đài. Mấy chục năm nay, cặp bài trùng Tony Quang- Lan Đài đã trở thành biểu tượng của giới ảo thuật Sài Gòn. Cho đến nay, ảo thuật gia Tony Quang vẫn là người duy nhất được kết nạp thành viên của Hội Ảo thuật gia Quốc tế (IBM). Gia sản sau mấy chục năm làm nghề, như ông bộc bạch, chỉ là căn nhà lầu chứa đầy đồ nghề ảo thuật. Để mua được số đồ nghề này, số tiền mà ông bỏ ra có thể sắm được nhiều ngôi nhà lớn tại TPHCM. “Ảo thuật gia chúng tôi là những người nghèo nhất nhưng luôn xài sang nhất. Một đôi giày, một cái mũ có khi đến vài trăm USD cũng cắn răng mua”.
Với Tony Quang, ảo thuật là cái nghiệp nhưng cũng là niềm đam mê mà cuộc đời bắt ông phải nhận, dù nó khiến ông chịu nhiều cay đắng, xót xa. “Quả là... trời đày tôi thành nhà ảo thuật” – ông tâm sự.
Cả nhà làm “phù thủy”
Ngược lại với Tony Quang, gia đình nghệ sĩ ảo thuật Trần Định lại được trời phú cho cái “gien phù thủy”. Từ ông bà, cha mẹ đến con cái trong gia đình ông đều theo nghiệp ảo thuật. Ông Trần Định cũng là người sáng lập ra đoàn xiếc tư nhân Trần Định (Đồng Nai) và hiện là phó chủ nhiệm chi hội xiếc - ảo thuật TPHCM.
Trần Định tự hào kể về tiểu sử gia đình mình: “Ông cụ thân sinh ra tôi là ảo thuật gia Trần Lực, người gốc Hà Nội nhưng vào sống tại Sài Gòn. Thời chiến tranh, cụ đi theo các gánh xiếc rong như Đại Bàng, Việt Tiến. Đến khi tôi vào đời, hành trang mà cha truyền lại chỉ là những kiến thức ảo thuật”. Tiếp nối như vậy, đến thế hệ của Trần Dũng, con trai ảo thuật gia Trần Định, cũng đi theo nghiệp “phù thủy”. Ở gia đình này, ảo thuật trở thành một vật báu được gìn giữ. Thiêng liêng hơn cả một nghề, ảo thuật gia Trần Định có được một tổ ấm và người vợ lăn lộn với nghề truyền thống của gia đình cũng là nhờ ảo thuật se duyên. Bố ông cũng vậy, cụ kết hôn cùng một phụ nữ Nam Bộ hâm mộ ảo thuật và về sau cũng trở thành người bạn diễn bôn ba cùng chồng khắp các gánh xiếc.
Trong suốt gần 40 làm ảo thuật, từ các gánh xiếc rong cho đến những đoàn xiếc Nhà nước, ảo thuật gia Trần Định đã thu nhận nhiều học trò. Có những người từ chỗ lang thang, cơ nhỡ được ông nhận về nuôi ăn và dạy thành nghề, sau đó đến nhiều nơi sinh sống, lập nghiệp. Có những người gắn bó với nghề, có những người theo nghiệp khác nhưng ông Định vẫn luôn tự hào vì trong tổ ấm của mình ông cũng có hai học trò nhỏ, đó là con trai Trần Dũng và con gái Kim Uyên. Ông Trần Định tâm sự: “Có nhiều lúc thăng trầm, nhiều giai đoạn khó khăn ăn không đủ no nhưng chúng tôi vẫn không sao bỏ được nghề này. Thế hệ con, cháu chúng tôi và cả những lớp hậu sinh chắc chắn vẫn sẽ theo cái truyền thống đó của tổ tiên mà giữ nghề”.
Yêu ảo thuật trước khi yêu vợ Ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp (Nha Trang) cũng là “phù thủy” lâu năm trong nghề. Ông cho rằng nếu làm ảo thuật chân chính thì khó mà đủ sống, vì thế ông phải xoay đủ nghề để nuôi niềm đam mê. Đã có lúc ảo thuật gia trình diễn nhưng màn ảo thuật lộng lẫy trên sân khấu là vậy nhưng phải bán đồ đạc trong nhà để mua đồ biểu diễn. “Em thông cảm, vì anh yêu ảo thuật trước khi yêu em”- ảo thuật gia Diệp Bảo Hiệp kể về cái cách mà ông chống chế với vợ khi bà phàn nàn chồng mình chỉ quan tâm đến ảo thuật chứ không lo gì cho gia đình. |
Bình luận (0)