Những con số ấn tượng
Gặp bác sĩ Kiều Xuân Cư tại tư gia của ông trên đường Ngô Thời Nhiệm, TP Nha Trang - Khánh Hòa vào đầu tháng 10-2012, ấn tượng nhất của chúng tôi đối với ông là sự minh mẫn, dù nay vị bác sĩ này đã ngoài tuổi 90. Trong lúc chuyện trò, đôi mắt hiền từ của ông vẫn ánh lên niềm đam mê nghề nghiệp và tình yêu thương con người tha thiết.
Bác sĩ Kiều Xuân Cư chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bác sĩ Kiều Xuân Cư xuất thân trong một gia đình nho giáo ở tỉnh Khánh Hòa. Năm 1945, ông tham gia hoạt động cách mạng khi vừa tròn 25 tuổi, làm cán bộ tuyên truyền. Tháng 1-1946, khi lực lượng Việt Minh rút vào hoạt động bí mật, ông được phân công ở lại TP Nha Trang hoạt động trong vùng địch và cung cấp tin tình báo cho chiến khu.
Năm 1952, ông Cư bị bắt. Tòa án binh Sài Gòn xử ông tội danh “phản bội”. Nhờ luật sư Nguyễn Hữu Thọ bào chữa nên ông và nhiều người khác được trao đổi tù binh theo Hiệp định Genève. Năm 1954, ông Cư tập kết ra Bắc, được bố trí làm y tế cho đội làm đường ở Tây Bắc. Năm 1957, ông được cử đi học tại Trường Đại học Y, Khoa Răng Hàm Mặt.
Năm 1964, ông nhận công tác tại Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức). Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Cư được chuyển công tác về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với chức danh trưởng Khoa Răng Hàm Mặt cho đến ngày nghỉ hưu.
Tám năm trước, năm 2004, khi được một số bạn bè, Việt kiều thành đạt ở các nước Úc, Mỹ, Đức… có nhã ý muốn đóng góp công sức giúp đỡ người nghèo ở tỉnh Khánh Hòa, bác sĩ Kiều Xuân Cư đã xin phép UBND tỉnh thành lập Hội Từ thiện Trầm Hương. Sau khi hội được chấp thuận, bác sĩ Cư vận động nhiều cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước tài trợ, tạo nguồn quỹ ban đầu. Với uy tín của mình, ông đã mời được một số bác sĩ có chuyên môn giỏi ở Khánh Hòa cùng tham gia khám - chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Lật cuốn Nhật ký từ thiện, bác sĩ Cư “khoe” những con số thật ấn tượng: Mổ mắt miễn phí cho hơn 3.500 bệnh nhân nghèo và người già neo đơn. Bản thân ông trực tiếp hoặc tham gia phẫu thuật trên 1.000 trường hợp hở hàm ếch cho trẻ em.
Không ngại “ôm rơm rặm bụng”
Các thành viên của Hội Từ thiện Trầm Hương bảo cái tâm của bác sĩ Kiều Xuân Cư lớn lắm. Thỉnh thoảng có việc về các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Ranh ở Khánh Hòa, gặp trẻ bị khuyết tật ở vùng miệng, bác sĩ Cư đều tìm đến nhà thăm hỏi và đề nghị gia đình đưa các em về TP Nha Trang để được mổ miễn phí. Gia đình các em Trịnh Minh Hiếu (5 tuổi), Trịnh Minh Phước (11 tuổi, cùng ở xã Minh Phụng, huyện Ninh Hòa); Trần Văn Lấm (9 tuổi, ở xã Cam Đức, TP Cam Ranh) và rất nhiều trường hợp khác luôn xem bác sĩ Cư là ân nhân.
Khi chúng tôi hỏi về các khoản chi phí để khám - chữa bệnh cho người nghèo, bác sĩ Cư cười đôn hậu: “Do bà con đóng góp, đặc biệt là những Việt kiều quê Nha Trang. Tuy vậy, rất nhiều trường hợp tự mình phải lo...”.
Từ Hội Từ thiện Trầm Hương, bác sĩ Kiều Xuân Cư đã mạnh dạn đứng ra thành lập Hội Những người ái mộ Yersin với hơn 350 thành viên, cũng với mục đích giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Hữu xạ tự nhiên hương, với những việc làm đầy tâm đức, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp hẳn một phòng khám y tế ở số 11 Sinh Trung - TP Nha Trang để Hội Những người ái mộ Yersin hoạt động. Phòng khám này là địa chỉ quen thuộc của người nghèo tỉnh Khánh Hòa, mỗi tuần có 4 buổi khám và cấp thuốc miễn phí.
Vào những ngày lễ, bác sĩ Cư và các thành viên của hội luân phiên tổ chức các đoàn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, đồng bào thiểu số ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh... Hằng năm, bác sĩ Cư đều liên lạc với Hội Những người ái mộ Yersin ở Pháp tổ chức mổ mắt, phẫu thuật hở hàm ếch miễn phí cho dân nghèo trong tỉnh.
Đưa cho chúng tôi xem nhiều bức ảnh về những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam, bác sĩ Cư trải lòng: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ lắm, nhiều cháu nhà nghèo, cha mẹ đầu tắt mặt tối lo kiếm sống nên chẳng ai chăm sóc”. Thương các bé, bác sĩ Cư và Ban Chấp hành Hội Từ thiện Trầm Hương kêu gọi tài trợ rồi nhận đỡ đầu cho hơn 30 cháu, với khoản hỗ trợ 300.000 đồng/tháng.
Không ngại “ôm rơm rặm bụng”, bác sĩ Kiều Xuân Cư còn sẵn lòng tham gia Hội Người tàn tật, trẻ mồ côi tỉnh Khánh Hòa, do ông Bùi Hồng Thái - nguyên bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - sáng lập, với tư cách là phó chủ tịch hội. Ở hội này, bác sĩ Cư tiếp tục đảm trách công tác tổ chức khám - chữa bệnh, kêu gọi các bác sĩ, doanh nhân, các nhà hảo tâm chung tay vì những mảnh đời khốn khó. Ông tâm sự: “Nhìn người dân nghèo sống tạm bợ trong những túp lều nhếch nhác, con cái bệnh tật, cuộc sống khó khăn, tôi không đành lòng. Vì vậy, tôi cứ cuốn theo công việc để gọi là giúp được chút gì đó cho bà con”.
Càng tìm hiểu về bác sĩ hưu trí Kiều Xuân Cư, chúng tôi càng cảm thấy khâm phục tinh thần, ý chí và nghị lực của ông. Bác sĩ Cư là thế, luôn giữ cho mình một tấm lòng “lương y như từ mẫu”, với tình thương người nghèo sâu đậm.
Là một trong những chuyên gia đầu ngành của tỉnh Khánh Hòa và khu vực nhưng bác sĩ Kiều Xuân Cư vẫn không ngừng rèn luyện, học hỏi và luôn nặng lòng với người bệnh. Ông là tấm gương sáng của một người thầy thuốc suốt đời làm theo lời Bác.
(Nhà văn Nguyễn Gia Nùng, Có một Nha Trang thầm lặng, NXB Văn học năm 2010) |
Đam mê sưu tập tem
Bác sĩ Kiều Xuân Cư đã cất công sưu tầm rất nhiều tem về Điện Biên Phủ. Hơn 50 năm tích cóp, ông gần như có đầy đủ bộ tem về chiến thắng Điện Biên Phủ với hơn 400 chiếc, được chia thành nhiều chủ đề khác nhau. Đầu tiên là bộ tem do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế với 4 mẫu cùng một hình tượng người chiến sĩ Điện Biên đang đứng trên nóc hầm Đờ Cát, hiên ngang phất cờ chiến thắng. Tiếp theo là bộ tem kỷ niệm 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 1964) do họa sĩ Trần Lương thiết kế, với 4 mẫu: Kéo pháo, Bao vây Mường Thanh, Phá bom nổ chậm và Điện Biên ngày nay. Hàng loạt bộ tem về Điện Biên Phủ khác cũng đã được ông kỳ công sưu tập: Kỷ niệm 20 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-1974) do họa sĩ Trần Huy Khánh thiết kế, gồm 2 mẫu: Quyết chiến quyết thắng và Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ; Kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-1984) do ngành bưu chính Việt Nam phát hành, họa sĩ Huy Toàn thiết kế, gồm 7 mẫu: Họp Bộ Chính trị, Hành quân ra trận, Dân công hỏa tuyến, Kéo pháo, Bắn rơi máy bay địch, Đánh chiếm cứ điểm, Trên hầm Đờ Cát; Kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ (1954-1994) do họa sĩ Trịnh Quốc Thụ thiết kế, gồm 2 mẫu: Kéo pháo vào trận địa và Mừng chiến thắng; Kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ (1954-2004) do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế, gồm 2 mẫu: Hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên và Cô gái Thái ở Điện Biên… Ngoài ra, bác sĩ Kiều Xuân Cư còn sưu tập một số tem về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nước ngoài phát hành. Bác sĩ Cư đang chuẩn bị cho ra mắt bộ tem về Bác Hồ. “Với tôi, chơi tem không chỉ vì niềm đam mê mà còn thể hiện tình cảm, sự kính trọng đối tượng mình lựa chọn, thể hiện. Tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc thể hiện rõ trong những con tem”- bác sĩ Cư thổ lộ. Bác sĩ Kiều Xuân Cư giới thiệu bộ tem Điện Biên Phủ
Ảnh: KỲ NAM |
Bình luận (0)