Những năm gần đây, thịt rừng trở thành món thời thượng với các tay nhậu xứ Huế. Ngay giữa TP nhưng chẳng khó khăn gì để có một bữa nhậu ra trò với thịt rừng “chính hiệu”. Tiện thì tạt vào các nhà hàng, quán nhậu đặc sản. Hay rảnh rang thì ghé chợ làm vài kg thịt rừng còn tươi roi rói về tự tay chế biến. Cứ thế, hằng ngày không biết bao nhiêu thú rừng vô tội phải lũ lượt “xuống phố” làm mồi nhậu cho con người.
Đi chợ thịt rừng
Theo chỉ dẫn của dân chuyên nhậu thịt rừng, mới sáng sớm, chúng tôi thẳng hướng từ TP Huế ngược lên ngả cầu Tuần, để được mục kích khu chợ thịt rừng.
Đây là khu vực nối miền núi với đồng bằng, cách TP Huế chỉ khoảng hơn 10 km, nên trở thành vị trí lý tưởng để phân phối thịt rừng xuống miền xuôi. Thú rừng săn bắn ở các vùng rừng Bình Điền, A Lưới được xẻ thịt rồi đưa về đây chuẩn bị theo chân thực khách xuôi phố. Cầu Tuần lại nằm trên Quốc lộ 49, nhiều xe chạy các tuyến Bắc Nam cũng hay dừng lại để hành khách xuống mua thịt rừng về... làm quà.
Qua khỏi cầu Tuần, rẽ trái sang Tỉnh lộ 13 vài chục mét, khu vực bán thịt rừng đã hiện ra nhộn nhịp. Trên dãy dài bàn ghế nhựa kê tạm bợ là những chiếc đùi nai, mang, heo rừng, cả những chú chồn đã làm sẵn để nguyên con... được bày bán ngang nhiên. Thấy khách tới là các chị chủ hàng mời chào rôm rả. Thịt sắp kín trên mấy dãy bàn, ngoài ra còn chứa đầy trong các thùng xốp để khách tha hồ chọn lựa. Một chị bán hàng cho biết phiên chợ đầu tiên trong ngày bắt đầu họp từ lúc 4 giờ sáng đến tận chập choạng tối mới tan.
Một con chồn được bày bán tại chợ thịt rừng |
Tiếp tục đi dọc theo con đường này lên hàng km, chúng tôi vẫn thấy nhiều chỗ bày bán thịt rừng. Tuy nhiên, đoạn này kinh doanh có vẻ “cẩn trọng” hơn. Chỉ có một ít thịt để mời chào ở ngoài ngõ, khách muốn mua được đưa vào trong nhà vô tư chọn lựa, mặc cả. Chị Hoa, chủ quán thịt rừng nơi chúng tôi ghé vào, cho biết: “Tôi ít vốn nên không dám liều. Cứ bán thế này được bao nhiêu thì được, còn lại bỏ cho các nhà hàng đặc sản trong phố. Lo chi thừa!”.
Giá cả ở đây thì quả là hấp dẫn. Chỉ khoảng 30.000 đồng – 40.000 đồng một kg thịt rừng tươi roi rói, mới mổ ngay trong đêm. Đặc biệt, trên mỗi miếng thịt đều cố ý chừa lại một túm lông để khách yên tâm khỏi sợ thịt rừng “đểu”. Người vào mua khá đông. Chẳng mấy chốc mà nhiều hàng đã hết nhẵn và tiếp tục hối thúc người nhà đưa thịt tới bán tiếp. Nhìn những miếng thịt còn loang lổ máu, tôi thử nhẩm tính số lượng thú rừng vô tội bị giết và tiêu thụ hằng ngày ở khu chợ này mà không khỏi giật mình.
Nhậu thịt rừng thành..."mốt"
Bốn giờ chiều, chúng tôi lại tiếp tục thẳng hướng sang ngả đường Minh Mạng, nơi tập trung các quán nhậu, nhà hàng đặc sản thịt rừng của Huế.
Đây là điểm đến quen thuộc của dân nhậu khi muốn nhâm nhi cái món đang được xem là thời thượng này. Chỉ tính từ đầu đường Minh Mạng đến khu vực đồi Thiên An đã có hàng chục điểm chuyên trị đủ các loại thịt rừng với những cái tên khá “mỹ miều” như Chân Quê, Duyên Quê, Ngọc Linh...
Chúng tôi thử ghé vào một quán khá đông khách gần khu vực đồi Thiên An. Nhìn lướt vào thực đơn thấy khá đủ các món: nai, mang, heo rừng, chồn, cheo... Giá cũng dễ thở, chỉ độ 40.000 đồng – 50.000 đồng cho một đĩa thịt nướng, hấp... Điều làm chúng tôi chú ý nhất trong quán là những chiếc lồng đủ cỡ nhốt các con thú. Nếu khách yêu cầu, chúng sẽ được bắt ra xẻ thịt ngay lập tức với giá nhỉnh hơn tí chút. “Chiêu” này được các chủ nhà hàng, quán nhậu ở đây tung ra để “câu” khách khá hiệu quả.
Tiếng ồn ào của nhóm sinh viên trong quán làm chúng tôi chú ý. Đó là một bữa tiệc sinh nhật khá “độc” với đầy đủ các món thịt rừng. Ông chủ quán cho biết những nhóm như thế này không hiếm, vài ba hôm ông lại nhận được đơn đặt hàng cho các buổi liên hoan, tiệc tùng, sinh nhật...
Huế là TP du lịch, tốc độ phát triển của ngành này khá nhanh, du khách đến cố đô ngày một đông. Những quán đặc sản ngày càng trở thành những điểm đến khoái khẩu của du khách thích nhậu. Và chẳng còn bao lâu nữa những cánh rừng nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế có thể sẽ bặt bóng thú rừng...
Bình luận (0)