xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Về lại mái nhà chung

Bài và ảnh: Phạm Hồ

Nhiều cô nhi đang sống trong những nhà tình thương, trung tâm bảo trợ... đều bày tỏ tâm nguyện khi trưởng thành sẽ làm điều gì đó đóng góp cho mái nhà chung mà mình từng được cưu mang để các cô nhi vào đây sau này được chăm sóc tốt hơn

Đầu tháng 10-2009, em Trần Kim Thu ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (quận Thủ Đức - TPHCM) theo học ngành điều dưỡng hệ trung học tại Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ước mơ ngày nào của em đã thành hiện thực. Thu tâm sự: “Sau khi học xong, em sẽ về lại Trung tâm Tam Bình để chăm sóc các cô nhi”. Hai mươi năm trước, Thu là một trong hàng trăm cô nhi được trung tâm này cưu mang.

img
Nhân viên chăm sóc cô nhi ở Trung tâm Tam Bình hầu hết cũng là cô nhi trưởng thành từ đây, giờ về lại phục vụ các em


Cha mẹ ruột cũng khó bằng


Anh em Thu mồ côi từ thuở Thu mới lọt lòng. Các nữ tu ở Trung tâm Tam Bình nhận hai em về nuôi và cho ăn học tử tế. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh trai Thu được các xơ cho đi học nghề và sau đó cấp một ngôi nhà 36 m2 tại xã An Bình, huyện Dĩ An - Bình Dương. Nơi này còn 66 căn nhà khang trang khác đã được xây dựng từ tình thương của các xơ ở Trung tâm Tam Bình, nay trở thành mái ấm của bao cô nhi năm xưa nay đã trưởng thành, lập gia đình riêng.


Người thực hiện dự án đầy ắp tình thương này là xơ Trần Thị Ngọc Hải (đã qua đời). Năm 1972, do ảnh hưởng chiến tranh, dòng tu Nước Trong tại Huế phải dời trung tâm cô nhi vào phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Mấy mươi nữ tu bồng bế các cô nhi vào lập Trung tâm Tam Bình. Sau giải phóng, chính quyền TP tiếp quản và mở rộng trung tâm để nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật. Lúc này, các xơ tiếp tục phục vụ tại đây.


Năm 1990, xơ Hải được cử làm giám đốc trung tâm. Trăn trở trước tương lai của các cô nhi, hằng tháng, xơ Hải lập sổ tiết kiệm riêng cho từng em. Tích cóp được một ít tiền do những người hảo tâm đóng góp, xơ mua 6 mảnh đất hoang ở xã An Bình. Lúc ấy, đất ở đây còn rất rẻ nhưng không có điện, nước. Rồi xơ Hải xây nhà, chạy vạy khắp nơi xin kéo điện về. Tiếp tục dành dụm, xơ cho các em học nghề. Khi các cô nhi đã trưởng thành, tự lập được, xơ cho chuyển sổ đỏ nhà đất cho họ đứng tên...


Chị Thu Trang, đã có chồng và một con gái 3 tuổi, một trong 67 cô nhi ngày xưa được cấp nhà, bày tỏ: “Ơn nghĩa của xơ Hải và trung tâm không lấy gì đo đếm được. Các xơ nhặt chúng tôi về nuôi, lại còn lo cho cả nơi ăn chốn ở để ra tự lập, dẫu cha mẹ ruột cũng khó bằng. Để đền đáp phần nào ơn nghĩa ấy, chúng tôi vẫn thường về lại mái nhà chung ở trung tâm để lo lắng cho các cô nhi chưa trưởng thành tại đây”.


Bao giờ cũng muốn ở lại


Nhiều cô nhi trưởng thành, rời khỏi Trung tâm Tam Bình tạo lập cuộc sống riêng nhưng trong lòng vẫn đau đáu tìm cách đóng góp cho nơi đã cưu mang mình suốt mấy mươi năm. Chị Nguyễn Thị Kim Yến, một cô nhi ngày xưa được mang từ Huế vào, hàng chục năm nay vẫn tận tụy ở lại trung tâm phục vụ các cô nhi nhiễm HIV. Chị Yến bộc bạch: “Cũng từng là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, chúng tôi hiểu các em rất cần sự chia sẻ của người khác”.


Theo số liệu của Trung tâm Tam Bình, 80% anh chị làm công việc chăm sóc các cô nhi hiện nay vốn cũng là những cô nhi ngày xưa từng ở trung tâm này. Chị Hoàng Thị Trang, nhân viên phòng trẻ tâm thần, bại não, thổ lộ: “Từ nhỏ, chúng tôi đã được các xơ chăm sóc. Lớn chút nữa, các xơ dạy cho chúng tôi cách chăm sóc các em nhỏ. Đây là mái nhà chung nên chúng tôi bao giờ cũng muốn ở lại cùng các em”. 


Vào Trung tâm Tam Bình năm 2000, khi mới 5 tuổi, Lâm Tuyết Hằng giờ đã biết phụ giúp các xơ và anh chị ở đây lo cho những cô nhi nhỏ tuổi. Ngoài giờ học, Tuyết Hằng cùng các bạn đồng lứa kèm cặp các em nhỏ hơn học bài ở nhà. “Em mong sau này sẽ học ngành sư phạm để trở về đây dạy học cho các em” - Tuyết Hằng ao ước.   

Gặp chúng tôi, nhiều cô nhi đang sống trong những nhà tình thương, trung tâm bảo trợ... đều bày tỏ tâm nguyện khi trưởng thành sẽ làm điều gì đó đóng góp cho mái nhà chung mà mình từng được cưu mang để các cô nhi vào đây sau này được chăm sóc tốt hơn.

Xoa dịu phần nào nỗi đau


Trong gần 500 cô nhi tại Trung tâm Tam Bình, hơn 100 em có HIV/AIDS, bại não, mù... Trong căn phòng khoảng 40 m2,  hơn 10 em bại não nằm thiêm thiếp trên giường, đờ đẫn nhìn các bạn đùa chơi ngoài sân nắng. Bé Thiên An vừa được mổ não, trên đầu băng trắng toát, phải nằm nghiêng để tránh động vết thương. Ánh mắt bé đau đớn như dại đi. Bé Thiên An như vậy đã là may mắn, bởi không phải em nào cũng được mổ não vì kinh phí quá lớn: 20 triệu đồng/ca, chưa kể tiền thuốc men, điều trị.  


Cạnh bên là phòng của các cô nhi bị mù và bệnh thần kinh. Lúc lên cơn, các cô nhi bị thần kinh đập phá bất cứ thứ gì trong tầm tay. Em Bùi Xuân Hiệp bị thần kinh nặng, đập phá suốt ngày đêm, chỉ khi nào uống thuốc an thần mới chợp mắt nằm yên.


Tại cơ sở 2 của Trung tâm Tam Bình, gần 100 cô nhi có HIV/ AIDS cũng đối diện với tương lai hết sức khó khăn. Bệnh tật hành hạ các em triền miên. Nhiều em quắt queo, tay chân bất động, hốc mắt hõm sâu... Sự tận tình của các anh chị ở trung tâm phần nào xoa dịu những cơn đau thể xác nhưng một viễn cảnh đau lòng luôn hiện diện trong đời sống các em.

 

Kỳ tới: Gập ghềnh lối vào đời

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo