Quán bar như đám cưới
Nếu như ở Sài Gòn, ai vào quán bar sẽ bị coi là dân chơi, dân quậy nhưng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quán bar dưới mắt người dân chỉ là một điểm gặp gỡ trò chuyện thân mật đủ mọi lứa tuổi theo kiểu đám cưới bạn bè ở làng quê.
Vào bar Đỗ Quyên (Châu Đốc) tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những vị khách xuất hiện trong bar là những người nông dân 100% “chân lắm tay bùn”. Được mệnh danh là tụ điểm ăn chơi số một ở An Giang, nhưng bar Đỗ Quyên cũng chỉ thu hút phần lớn những gương mặt... ngơ ngác và gượng gạo.
Ngồi cạnh cô bạn tôi là ba phụ nữ trạc tuổi 40. Họ mặc những trang phục dân dã, áo bà ba xưa có gam màu nhu mì. Một người tân thời hơn trong chiếc áo xẻ bốn mảnh và chiếc quần kiểu “tư xả láng''.
“Độc” hơn nữa, ở phía đối diện, một đám thanh niên địa phương mặc áo thun ba lỗ, quần đùi theo kiểu tắm sông... cũng vào bar chơi theo phong cách “hai lúa'' rặt. Đã thế, họ còn ngồi chồm hổm trên những chiếc ghế sa-lông kê sát tường vẫy tay, uốn mình theo điệu ráp cuồng quay.
Miệt vườn sôi động
Lặn lội qua khúc đường vắng vẻ, đầy ổ gà và tiếng dế kêu rát tai, bước vào bar, chúng tôi như vừa về lại Sài Gòn. Tiếng nhạc của điệu hip- hop vang lên chói tai.
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh bảnh bao của những “diễn viên vệ sĩ'' trong trang phục hết sức ngầu: áo lính, nón bánh tiêu mà gương mặt lại “hiền ơi là hiền”. Nhìn kỹ lại mới nhận ra là người thanh niên chạy xe ôm.
“Anh làm ở đây lâu chưa? Lương khá chứ?", tôi hỏi. "Cũng vừa đủ sống, 300.000 đồng một tháng''. “Ở đây làm có tiền bo không?". “Bo gì mà bo, khách toàn người quen. Thỉnh thoảng có mấy tay xa xa tới cũng chỉ gọi rượu tây cỡ 200.000, 300.000 đồng/chai. Tiền lẽ họ mới bỏ lại, hiếm khi được bo lắm”, anh than thở.
Nhưng “mỹ nhân” hoạt náo cũng tỏ vẻ chịu chơi không kém. ''Nghe nói ở đây có dân chơi. Vậy mà vô rồi anh thấy bình thường quá, chắc về sớm thôi'', tôi hét vào tai một cô hoạt náo. “Ở đây vậy đó không có quậy quọ gì nên đâu cần bảo kê bảo kiếc”, cô gái đáp lời.
Nhạc trỗi lên, bar bỗng tưng bừng hẳn. Thế nhưng, giai điệu cha cha cha quen thuộc mà chỉ có bốn người lao xuống "đi tới đi lui". Những người khác chăm chú nhìn và thỉnh thoảng lắc lư vài cái theo điệu nhạc.
Nhìn những người phụ nữ ra về trên xe đạp kéo, nam nữ tuổi teen dắt những chiếc xe gắn máy Trung Quốc còn dính đầy bùn đất... tôi tự hỏi, liệu họ là dân quậy thứ thiệt hay chơi theo kiểu đua đòi? Hoàn toàn sai.
Ở đây, có quá ít nơi giải trí nên việc họ tìm đến các quán bar là lẽ thường tình. ''Vô đây mà không nhảy cũng uổng tiền, chị không vui hả?'', cô bạn tôi tâm sự cùng người đàn bà ngồi cạnh. ''Vui chứ! Tại hổng biết nhảy, chứ biết cũng xông xuống rồi”, ngưới đàn bà tự nhiên đáp, rồi ngáp dài một cái. Sau đó, chị tràm tư nói: “Có cải lương về đây diễn để coi thì vui biết mấy, hả?”.
Bình luận (0)