Họ ra đi từ sáng sớm và tối mịt mới trở về nhà. Trung bình mỗi ngày, người bốc vác phải cõng trên lưng mình cả chục tấn hàng hóa các loại.
Nhóm của Tính gồm 4 chàng trai, tuổi đời mới từ 17 đến 19. Họ như những lực điền, đen bóng, vạm vỡ. Tuổi thơ của họ không được đến trường, bởi cả xóm lúc đó không có "truyền thống" đi học. Họ phải theo cha, theo anh ra các bến cảng. Người lớn thì khuân vác hàng nặng, còn đám trẻ con như Tính thì gọt vỏ sắn, vỏ thơm, thi thoảng mới được bốc hàng, đó là những loại hàng bằng nhựa.
Bây giờ đã ở vào độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu", họ có thể cõng trên lưng một bao gạo 50 kg. Cuộc sống của họ quanh năm suốt tháng cứ quanh quẩn ở khúc sông này. Vào mùa nước lớn, tàu, ghe cập bến tấp nập, nhưng vào mùa khô như thế này, con nước thất thường, những con tàu có trọng tải lớn không thể vào sông được. Những lúc như thế, người bốc vác lại thất nghiệp.
Hôm gặp chúng tôi, nhóm của Tính đang bốc một ghe hàng lớn. Ghe chở thơm của bà chủ ở Kiên Giang đã neo ở đây từ tối hôm trước. Bà chạy hai ghe, mỗi ghe chở được 25 tấn. Bà thích gọi nhóm Tính làm vì họ khỏe mạnh, chăm chỉ và thật thà. Một tấm ván chông chênh được bắc làm cầu, nối ghe với bờ. Chiều dài của ván thì tùy theo con nước nhưng bề rộng chỉ đủ để đặt ngang một bàn chân. Họ chậm rãi nhích từng bước chân mà tấm ván vẫn nhún nhảy như một chiếc cầu treo khiến cho người khác nhìn vào phải có cảm giác bất an.
Nhưng không phải ngày nào cũng may mắn như thế. Có hôm phải đợi đến 10 giờ trưa mới có hàng để bốc. Nghề bốc vác phải làm việc theo nhóm và mỗi nhóm sẽ được "phân chia khu vực chiếm đóng". Trong nhóm có nhóm trưởng giữ nhiệm vụ đi tìm mối, "đóng thuế" cho nhà ghe, nhận tiền và cuối ngày chia tiền cho anh em. Nhóm trưởng ít khi xuất hiện ở bến, họ liên lạc bằng điện thoại với chủ ghe và ghe đó sẽ neo đúng khu vực mà những người "lính" của mình đang trấn giữ.
Trong khoản thu nhập hằng ngày, người bốc vác phải chi một phần cho trưởng nhóm. Bốc một tấn hàng, bất kể trái cây hay gạo, muối... là 35 ngàn đồng. Với giá cả rẻ bèo như thế nên người bốc vác đều mong có hàng nhiều để làm. Vì thế, có khi xảy ra tranh giành hàng, dẫn đến xô xát giữa các nhóm. Chúng tôi hỏi Tính là có ngày nào làm được 100 ngàn không? "Có, nhưng 100 chưa chia cho 4 người", một thành viên trong nhóm cười với vẻ khổ sở.
Cách "khu vực chiếm đóng" của nhóm Tính khoảng 20m về phía cầu Nhị Thiên Đường, một nhóm bốc vác đã lớn tuổi đang hút thuốc. Người thì tựa vào gốc cây, người ngồi trên đống máy móc đang chờ để bốc lên ghe, kẻ lại nằm duỗi ra trên lề đường đầy rác rưởi. Nhóm này có 5 người. Họ đã gắn bó với cái bến này mấy chục năm.
Anh Huệ năm nay đã 46 tuổi. Anh không có gia đình. Trước đây, cha anh cũng làm nghề bốc vác nhưng một lần vác nặng quá đã bị gãy cột sống, không bao lâu thì qua đời. Anh một mình chăm sóc mẹ già. Cách đây 3 năm, mẹ anh gặp một cơn bạo bệnh và cũng không qua khỏi. Nhìn lại thấy mình đã trên 40, thôi thì đành ở vậy. Anh không muốn có gia đình, không muốn con cái sau này sẽ lại làm nghề bốc vác. Nghe anh Huệ nói thế, một ông già ngồi cạnh lên tiếng: "Có con mà biết làm ăn thì còn chi bằng...". Ông bỏ lửng câu nói, buông một tiếng thở dài. Mọi người thường gọi ông là Bảy "cùi". Không phải vì ông bị cùi nhưng do chân tay ông cứ tróc hết lớp da này đến lớp da khác nên người ta gọi vui vậy. Ông không muốn kể chuyện gia đình, chỉ than thở: "Làm cái nghề này mà không có sức khỏe thì bị coi là thứ bỏ đi".
Nhóm của ông bây giờ không được làm hàng tấn như nhóm thanh niên mà chỉ được thuê xách những loại hàng nhẹ như những vật dụng làm bằng nhựa, những bao bì hay những thùng bánh kẹo. Vì thế, thu nhập cũng thật èo uột. Nhóm người già này đang ngồi gần một đống máy móc nặng cả trăm tấn nhưng họ sẽ không được vác. Từ sáng đến giờ, họ mới xách được mấy gói hàng, ngồi chờ như thế này thì oải lắm.
Phía gần cầu chữ U, một nhóm bốc vác khác tới vài chục người đang cười hả hê vì vừa vác xong hai ghe gạo lớn. Người nào người nấy mồ hôi đầm đìa, miệng cứ há ra để thở nhưng khi được bà chủ ghe khoai lang hào phóng tặng cho một rổ khoai đã luộc chín, họ xáp lại, ăn một cách ngon lành.
Từ cầu chữ U xuống tới cầu Nhị Thiên Đường có rất nhiều kho hàng: kho tỏi, kho muối, kho đường, kho bột mì... Số lượng người bốc vác ngoài bến lên đến hàng trăm nhưng trong kho thì rất hạn chế. Mỗi kho chỉ có một đội, từ 4 đến 5 người. Làm trong kho nhàn nhã hơn ngoài bến rất nhiều và thu nhập cũng nhỉnh hơn.
Nhưng không phải ai cũng được làm ở kho. Ở kho không nhận những người ngoại tỉnh. Họ phần lớn là những người ở địa phương. Một ngày họ chỉ bốc vài ba chuyến. Có người cố gắng tậu một cái xe vừa túi tiền, tranh thủ lúc rảnh chạy xe ôm để có thêm thu nhập. Nhóm làm kho đường gồm 5 người đàn ông đã trên 35 tuổi. Họ làm ở đây đã hơn 20 năm, lúc mới 15, 16 tuổi. Họ gọi nhau bằng những cái tên rất "xã hội đen". Nào là Năm "dùi cui", Bảy "búa", Tám "dao găm"... nhưng khi chuyện trò thì rất hiền. 11 giờ trưa mà xe chở hàng không tới, buổi sáng của nhóm coi như đã mất toi.
Nhưng thật may mắn, những chàng bốc vác tí hon ở đây không nhiều. Ai cũng có một khát vọng, mai này, con họ sẽ không phải làm việc ở cái bến nước đen ngòm, hôi thối này.
Bình luận (0)