icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xóm "liều" trong lòng cố đô

NTNN

168 căn nhà tạm ở phường An Cựu, thành phố Huế đã được người dân quen gọi là xóm "liều". Chừng ấy căn lều tự phát, ngang nhiên mọc lên từ năm 1989 đến nay trong dáng vẻ rách nát triền miên. Những gia đình sống ở đây không sổ đỏ, không hộ khẩu, không hôn thú, không nghề ngỗng... và cứ thế mặc nhiên tồn tại trong lòng cố đô

Những cuộc đổ bộ...

Khu đất mà xóm “liều” tọa lạc thuộc tổ 21, phường An Cựu, thành phố Huế, trước đây thuộc Công ty Ô tô 3. Đến năm 1989, sau khi công ty này thua lỗ, không hoạt động, khu đất trên bỏ hoang, cũng từ đó những cư dân sông nước thuộc các phường Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Cát... trong thành phố tìm đến dựng lều làm nhà ở. Ai đến trước chiếm được mảnh đất lớn, người đến sau thì mảnh nhỏ hơn. Ban đầu chỉ một vài hộ, sau đó qua truyền miệng, người vô gia cư khắp nơi trong thành phố cứ tìm đến và hình thành nên xóm "liều". Họ cứ nghiễm nhiên làm ăn sinh sống và trở thành những công dân không được thừa nhận. Theo anh Lê Ngọc Thuận, tổ trưởng tổ 2, phường An Cựu, phần lớn những người đến đây chiếm đất làm nhà là do mưa bão bị chìm đò, chết chóc. Họ không có tiền mua đất nên tìm đến đây làm nhà tự phát và ở liều cho đến bây giờ - cái tên xóm “liều” cũng bắt đầu từ đó. Ban đầu chỉ ít hộ, chính quyền phường An Cựu cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ cho họ có nơi ăn chốn ở ban đầu. Nhưng, khoảng từ năm 1994-1995, một số ngư dân ở các phường Phú Hòa, Phú Hiệp lại tiếp tục “đổ bộ” đến đây. Phần lớn họ làm nghề đạp xích lô, lượm chai bao, bán vé số và “thợ đụng”... Đến năm 1996, khi vùng đất này nằm trong khu quy hoạch giao cho Đại học Huế xây dựng làng đại học, các cơ quan chức năng cũng đã có phương án di dời xóm “liều” đến vùng đất mới. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp cũng như quỹ đất không có, nên từ đó đến nay xóm “liều” vẫn nằm im ở chỗ cũ. Theo thống kê của ông tổ trưởng, cả xóm có 168 hộ với 838 nhân khẩu nhưng không có nhà nào có một mảnh giấy tờ gì. Anh Thuận cho hay: “Mãi đến năm 2001, Ban Tư pháp thành phố Huế đã trực tiếp về tận nơi để làm khai sinh cho 112 cháu, trong đó có gia đình 5 - 7 cháu cùng làm khai sinh một lần trong dịp ấy”.

Ước mơ

Buổi sáng xóm “liều” vắng lặng, một vài đứa trẻ tinh nghịch nô đùa trước sân. Tôi bắt gặp bé Nga với khuôn mặt buồn bã trước căn lều đã đóng kín cửa. Hai năm trước bố Nga bị bệnh AIDS đã qua đời. Rồi mẹ em cũng bị bệnh do bố truyền qua, hiện đã ở giai đoạn cuối, đang nằm ở Bệnh viện Trung ương Huế, để lại bé và em Lê Thị Thanh Tâm (7 tháng tuổi) - bé Tâm bị bệnh từ mẹ lây sang nên đã được sơ Lý nhận nuôi. Bé Nga đang học lớp 2 Trường Tiểu học Ngự Bình. Không có ai chăm sóc, ngày ngày Nga phải nương nhờ hàng xóm từng miếng cơm, manh áo. Đồng cảm với cảnh ngộ khó khăn, chị Trần Thị Dậu - một hàng xóm tốt bụng - đã nhận nuôi và chăm sóc Nga. Nhưng hoàn cảnh của gia đình chị Dậu chẳng khá gì. Một điều rất dễ nhận thấy ở xóm “liều” là gia đình nào cũng hoàn cảnh, nghề nghiệp không ổn định nên lo ăn bữa hôm lại thiếu bữa mai. Gia đình chị Nguyễn Thị Bé gồm 7 người mà sống trong căn lều xập xệ chưa đầy 15 m2. Hôm chúng tôi đến thăm, cả gia đình đang ngồi lục đục lựa lui lựa tới bên đống ve chai. Chị nói: "Cực lắm chú ơi? Cả gia đình suốt ngày đi lượm ve chai, ngày kiếm được 15.000 - 20.000 đồng, không đủ bỏ vô miệng cho con. Những ngày nắng ráo còn có cái ăn, chứ mùa mưa là đói dài dài”. Tôi nhìn quanh trong nhà chị chẳng có gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường ọp ẹp cùng chiếc xe đạp cũ. Căn lều của gia đình chị Nguyễn Thị Dớ và anh Dương Văn Khoang ở cạnh bên cũng chẳng hơn là bao. Cũng chừng ấy mét vuông mà 9 người ở. Ban ngày mỗi người đi làm một nơi, đêm về mỗi người ngồi một góc chứ đi lại là đụng nhau. Ngày ngày anh Khoang đạp xích lô, chị Dớ đi bán vé số. Đứa con đầu của chị Dớ năm nay 15 tuổi cũng đi bán vé số như chị, 6 đứa còn lại cứ san sát đầu nhau. Nhà nghèo quá nên chẳng có cháu nào đến trường. "Cực mãi rồi, muốn sửa sang căn nhà để cho khỏi dột nát cũng không dám. Bây giờ, khu đất này đã nằm trong khu quy hoạch của Đại học Huế, cách đây mấy năm họ có nói chuyển đi nhưng Nhà nước thì chưa có khu đất nào để cấp, bỏ tiền ra mua đất thì bà con không có" - chị Dớ ngập ngừng phân trần.

Chúng tôi rời xóm “liều” khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt. Những căn lều như oằn mình trước gió. Mấy đứa trẻ trần truồng tắm mưa, hồn nhiên nô đùa như cuộc đời này chẳng có gì hơn thế...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo