Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XX, vùng đất từng màu mỡ này bị xem là nơi xói mòn nghiêm trọng nhất trên trái đất - theo một bộ phim tài liệu của nhà sinh thái học John D Liu.
Nhiều thế hệ nông dân đã khai phá và canh tác vùng đất này, dần dần làm suy thoái đất và phá hủy lớp đất phủ. Hằng năm, bụi mịn từ cao nguyên - gọi là hoàng thổ - không chỉ làm tắc nghẽn sông Hoàng Hà mà còn thổi đến nhiều thành phố của Trung Quốc, bao gồm thủ đô Bắc Kinh. Vì vậy, vào năm 1999, chính phủ Trung Quốc đã hành động khẩn cấp, khởi động dự án được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ mang tên "Biến ngũ cốc thành rừng". Mục đích của dự án bảo vệ môi trường được đánh giá là tham vọng nhất từ trước đến nay của Trung Quốc này bao gồm phủ xanh lại cao nguyên Hoàng Thổ, đảo ngược tác hại do chăn thả và canh tác quá mức đối với các sườn đồi… Ngoài mục tiêu khôi phục sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân cao nguyên, dự án còn nhằm hạn chế các cơn bão bụi tràn xuống các đô thị vốn đã ô nhiễm - theo ông Peter Bridgewater, giáo sư danh dự tại Trung tâm Di sản và Nghiên cứu bảo tàng thuộc Đại học Quốc gia Úc.
Theo tờ The Guardian, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã mất hơn 3 năm để thiết kế dự án, làm việc với cộng đồng và giới chức địa phương nhằm thay đổi phương thức chăn thả truyền thống. Việc chặt cây, trồng trọt trên sườn đồi và chăn thả dê cừu không kiểm soát đều bị cấm. Người dân nhận được hỗ trợ lương thực và tiền mặt khi chuyển đổi đất nông nghiệp thành đồng cỏ, rừng kinh tế hoặc rừng sinh thái được bảo vệ.
Đến năm 2016, Trung Quốc đã chuyển hơn 30.000 km² đất canh tác dựa vào nước mưa ở cao nguyên Hoàng Thổ thành rừng hoặc đồng cỏ, tức tăng 25% độ phủ thực vật chỉ trong một thập kỷ - theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature Climate Change. Các nghiên cứu khác cho thấy hiện tượng xói mòn giảm mạnh. "Khi môi trường được cải thiện, các loài chim quay trở lại. Rừng đã tự phát triển lại hệ sinh thái" - công nhân lâm nghiệp Yan Rufeng chia sẻ với đài CGTN của Trung Quốc.

Tỉnh Cam Túc của Trung Quốc, nằm tại vùng giao thoa giữa cao nguyên Hoàng Thổ, cao nguyên Mông Cổ và cao nguyên Thanh Tạng, là nơi các nỗ lực bảo tồn nguồn nước bền bỉ đã phát huy hiệu quả. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ông Lu Fu Chin, một cựu nông dân 52 tuổi nay chuyển sang làm lâm nghiệp, nói với Tân Hoa Xã rằng chương trình đã thúc đẩy việc làm cho người dân địa phương. "Trước kia tôi chặt cây lấy củi, giờ tôi trồng cây. Trước đây mọi người phải đi xa để kiếm việc, nay có thể làm việc ngay cạnh sông Hoàng Hà".
Dĩ nhiên, mọi việc không đơn giản, kể cả trong quá khứ và tương lai. Một số cộng đồng trước đây phản đối khi bị yêu cầu trồng cây trên đất nông nghiệp, với nỗi lo các thế hệ sau này không đủ lương thực. Phương pháp phủ xanh ban đầu cũng có vấn đề, theo ông Bridgewater, khi hoạt động trồng rừng diễn ra ồ ạt nhưng chỉ trồng đơn loài và không tập trung vào cây bản địa. Đến khi việc trồng cây chuyển sang đa dạng loài để tăng đa dạng sinh học thì lại phát sinh vấn đề quản lý nước. Thảm cây và hoạt động nông nghiệp làm tăng tiêu thụ nước từ hệ thống sông Hoàng Hà, khiến nhu cầu dùng nước chung của khu vực và các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, khí hậu quanh cao nguyên Hoàng Thổ đang thay đổi, trở nên ấm và ẩm hơn trước. Điều này có nghĩa là không thể đơn giản khôi phục lại những gì từng tồn tại trước kia, theo ông Bridgewater. "Nhưng chúng ta có thể tạo ra một hệ sinh thái mới và chất lượng hơn hệ thống đã bị phá vỡ" - ông khẳng định.
Bình luận (0)