xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phục hồi, gìn giữ các khu rừng ngập mặn

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Việc trồng, chăm sóc, bảo vệ những cánh rừng ngập mặn dọc cửa sông, bờ biển là một trong những ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp tại tỉnh Nghệ An

Đi dọc sông Lam đoạn từ xã Hưng Hòa, TP Vinh tới các xã Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chúng ta sẽ thấy khu rừng bần ngập mặn xanh mướt kéo dài hàng chục cây số.

"Lá phổi xanh" ngăn xói lở

Các khu rừng ngập mặn trông như những tấm thảm xanh thẳm trải dài ven sông, ven biển tại nhiều vùng ở Nghệ An. Ngoài việc chống xói lở, giúp đa dạng hệ sinh thái, các khu rừng này còn là nơi cung cấp nhiều loại thủy, hải sản.

Ông Trần Văn Thương, trú xã Hưng Hòa, cho biết khi còn bé, ông đã nghe bố mẹ kể về rừng bần ven sông Lam. "Rừng này có tuổi đời hàng trăm năm với hàng ngàn cây bần lớn, rễ cắm sâu vào lòng đất, tạo nên bức tường thành xanh che chắn, bảo vệ những làng mạc ven sông Lam" - ông Thương khẳng định.

Bao đời nay, rừng bần không chỉ bảo vệ các khu dân cư nơi đây mà còn là môi trường sinh sôi của nhiều loại thủy sản, mang lại nguồn lợi cho người dân trong vùng. Trong đó, cáy (còn gọi là cua càng đỏ, sống ở vùng nước lợ) là loài sinh sống rất nhiều.

Từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, mỗi lúc thủy triều xuống là hàng trăm người dân địa phương lại chia thành nhiều nhóm đi bắt cáy. Cáy đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều người dân.

"Vào mùa cáy, mỗi ngày một người có thể bắt được vài ký. Loài này được chế biến thành nước mắm cáy, một trong những đặc sản của người dân xứ Nghệ được nhiều người tiêu dùng yêu thích" - bà Nguyễn Thị Hương, trú xã Hưng Hòa, cho biết.

Không chỉ ven sông Lam, đi dọc các tuyến đường ven biển của tỉnh Nghệ An, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt khu rừng ngập mặn tại các xã Nghi Xuân, Nghi Thiết, Nghi Quang, huyện Nghi Lộc; Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu; Phú Nghĩa, Quỳnh Yên, Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu.

Theo bà Trần Thị Vân - trú xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu - nhờ có rừng ngập mặn che chở nên mỗi khi mưa to, gió lớn, người dân không còn lo sợ nước biển tràn vào nhà hay đánh đắm tàu thuyền. "Trong rừng còn có rất nhiều cua, ốc, tôm, cá, hàu… Lúc nông nhàn, chúng tôi thường vào rừng bắt về đem bán, mỗi ngày có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng" - bà khoe.

Ông Lê Thế Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Diễn Châu, thông tin trên địa bàn hiện có khoảng 120 ha rừng ngập mặn với nhiều loại cây phát triển rất tốt như bần, sú, vẹt... Ngoài chức năng điều hòa khí hậu, ngăn chặn xói lở, xâm nhập mặn, các khu rừng này với nhiều loại thủy sản phong phú là nơi giúp người dân nghèo có thêm nguồn thu nhập.

Phục hồi, gìn giữ các khu rừng ngập mặn- Ảnh 1.

Phục hồi, gìn giữ các khu rừng ngập mặn- Ảnh 2.

Những khu rừng ngập mặn quanh năm xanh mướt dọc theo sông Lam, tỉnh Nghệ An

Chăm sóc, bảo vệ chu đáo

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, tổng diện tích đất rừng ven biển của địa phương là hơn 7.200 ha (trong tổng số 29.240,6 ha vùng ven biển). Trong đó, 333,95 ha là rừng ngập mặn, chủ yếu ở vùng cửa Hội (sông Cả), cửa Vạn (sông Bùng), cửa Lạch Quèn, Lạch Cờn (sông Mai Giang); 688,1 ha rừng bãi cát ven biển, thường gọi là bãi ngang. Rừng ngập mặn hiện diện trên địa bàn 34 xã thuộc 6 huyện, thị, thành phố của tỉnh Nghệ An.

Những năm gần đây, rừng ngập mặn và rừng ven biển tại tỉnh Nghệ An bị tác động tiêu cực. Việc ồ ạt phát triển đầm tôm, khai thác cát, làm khu du lịch, xây biệt thự nghỉ dưỡng... khiến không ít diện tích rừng biến mất.

Nếu như năm 2004, tổng diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh là 1.215 ha thì đến năm 2023 chỉ còn khoảng 403,51 ha. Dù vậy, 2 năm qua, nhờ được bảo vệ, trồng mới nên nhiều khu rừng ngập mặn tại các địa phương ở Nghệ An phục hồi rất nhanh.

Để bảo vệ tốt các khu rừng ngập mặn, nhiều địa phương ở Nghệ An đã thành lập tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Nhờ đó, rừng ngày càng phát triển tươi tốt.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, cho hay hầu hết diện tích rừng bần, rừng sú ngập mặn và rừng phi lao chắn gió, chắn cát ở địa phương đều đã được giao khoán cho các hộ dân. Nhờ được chăm sóc, bảo vệ chu đáo nên diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn phát triển rất tốt.

Theo ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở Môi trường và Tài nguyên tỉnh Nghệ An, rừng ngập mặn là yếu tố quan trọng để cân bằng sinh thái vùng ven biển, góp phần làm giảm sự tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, xâm thực... Ngoài ra, các khu rừng còn tạo nên những cảnh quan đẹp ven sông, ven biển; là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản cho người dân trong vùng.

Vì thế, ông Hùng cho rằng việc trồng, chăm sóc, bảo vệ các cánh rừng ngập mặn dọc cửa sông, bờ biển là một trong những ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực lâm nghiệp tại tỉnh Nghệ An. 

Hệ sinh thái đa dạng

Theo khảo sát do Trung tâm Khoa học - Công nghệ phối hợp với Khoa Sinh - Trường ĐH Vinh thực hiện, hệ sinh thái ở khu rừng ngập mặn xã Hưng Hòa hết sức phong phú.

Cụ thể, khu rừng bần này có đến 20 loài thực vật, trong đó chiếm ưu thế là bần chua. Ngoài ra, 9 loài cây ngập mặn khác như ô rô, ráng, sú, lác... được phân bổ đều khắp vùng cửa sông, trên bãi ngập cao và vùng bãi cát.

Trong khi đó, khu rừng ngập mặn xã Hưng Hòa có 63 loài động vật, gồm 3 loài thú, 31 loài chim, 10 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 14 loài cá. Đáng chú ý, loài cá sủ vàng ở đây rất có giá trị về mặt kinh tế và y học thực nghiệm. Khu rừng bần này còn có 8 loài động vật quý hiếm: rái cá, bồ nông chân xám, quạ khoang, bói cá lớn, rắn ráo, rắn hổ trâu, cạp nong, hổ mang...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo