icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phục hồi tài nguyên dưới mặt nước

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt, Quảng Bình đã khởi động nhiều giải pháp phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên dưới mặt nước

Tỉnh Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển dài hơn 116 km, vùng biển rộng; hệ thống sông suối, hồ đập, phá… phong phú và là nơi cư ngụ lý tưởng của nhiều loài thủy sản giá trị. Mỗi năm, toàn tỉnh khai thác gần 100.000 tấn thủy sản, tạo sinh kế cho hàng chục ngàn lao động ven biển. Nhưng theo thời gian, trữ lượng thủy sản ở đây ngày càng cạn kiệt, đặt ra thách thức lớn cho việc bảo tồn tài nguyên dưới nước.

Khai thác tràn lan, đánh bắt tận diệt

Hơn 40 năm gắn bó với vùng biển, ngư dân Nguyễn Văn Thọ (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) nói chưa bao giờ ông cảm thấy việc đánh bắt thủy sản lại bấp bênh như bây giờ. "Trước đây, mỗi chuyến đi biển gần bờ thường mang về đầy khoang cá nục, cá ngừ. Có lần bắt được nhiều quá, thuyền không đủ chứa, tôi phải đổ bớt xuống biển. Còn gần đây, nhiều hôm thả lưới cả ngày chỉ được vài giỏ cá, không đủ bù tiền dầu" - ông nhớ lại.

Không chỉ do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hay dòng chảy thay đổi, ông Thọ cho rằng nguyên nhân chính là con người. Trong đó, việc khai thác tràn lan, đánh bắt tận diệt đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt thủy sản.

Phục hồi tài nguyên dưới mặt nước- Ảnh 1.

Lượng cá tôm trên sông Gianh ngày càng giảm

Tại vùng trung du Quảng Bình, sông Gianh dài hơn 160 km từng đầy ắp cá tôm mà mỗi đợt nước lên là một lần trúng đậm với dân thả lưới. Song, con sông huyết mạch bắt nguồn từ phía Tây dãy Trường Sơn, uốn lượn qua những làng quê trù phú rồi đổ ra cửa biển phía Bắc Quảng Bình này cũng dần rơi vào cảnh suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Ông Mai Văn Khiêm (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa) - người gắn bó hơn 30 năm với nghề chài lưới trên sông Gianh - so sánh: "Hồi trước, mỗi sáng kéo lưới lên là thấy đủ loại cá hanh, cá đối, tôm càng xanh…, có bữa được cả cá chép to bằng bắp chân. Nhờ nghề này mà tôi nuôi được các con ăn học nên người. Còn bây giờ, đi dọc sông cả vài cây số cũng khó kiếm nổi vài ký cá nhỏ".

Theo ông Khiêm, "thủ phạm" không chỉ là việc khai thác cát quá mức, khuấy đục đáy sông mà còn là nạn đánh bắt thủy sản kiểu hủy diệt bằng xung điện, chất nổ… diễn ra lén lút ở nhiều khúc sông. Không chỉ tôm, cá lớn mà các loài cá con, chắt chắt, sá sùng, rong tảo... dưới nước cũng cạn dần.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, cho biết hầu hết ngư dân đã nắm được quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Từ tàu giã cào lén lút hoạt động ven bờ đến việc sử dụng ngư cụ cấm, chất nổ, xung điện… khiến nguồn lợi thủy sản ngày cảng giảm mạnh.

Thả con giống, lập khu bảo vệ

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, Quảng Bình đã khởi động nhiều giải pháp phục hồi hệ sinh thái. Trong đó, đáng chú ý là việc thả giống thủy sản về môi trường tự nhiên.

Riêng năm 2024, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã thả hơn 143 vạn tôm sú giống, gần 23 vạn cá nước ngọt và 8.000 con giống mặn lợ, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỉ đồng. Mới đây, thị xã Ba Đồn cũng thả 600.000 tôm sú, hơn 5.000 cá chẽm xuống sông Gianh để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Phục hồi tài nguyên dưới mặt nước- Ảnh 2.

Cơ quan chức năng thả cá, tôm giống xuống sông Gianh trước thực trạng thủy sản ngày càng suy giảm

Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ thành lập, nâng cao những mô hình đồng quản lý ở các xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy. Mô hình này được xem là điểm sáng trong việc phục hồi nguồn lợi thủy sản. Hơn 600 người dân đã tham gia bảo vệ 147,5 km² vùng biển, với các rạn san hô, rạn nhân tạo - nơi sinh trưởng của hàng loạt loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác. Từ người đánh cá, họ trở thành "người gác biển", giữ gìn tài nguyên bằng ý thức cộng đồng.

Quảng Bình cũng đã thành lập Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn La - Vũng Chùa rộng hơn 1.298 ha tại 2 xã Quảng Đông và Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, do Chi cục Thủy sản quản lý. Đây là vùng cấm khai thác, là nơi trú ngụ và sinh sản của những loài có giá trị cao như cá bàng chài đầu đen, bào ngư xanh, trai ngọc môi đen, san hô cứng...

Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, nỗ lực phục hồi nguồn lợi thủy sản vẫn chưa theo kịp tốc độ suy giảm. Hoạt động thả giống vẫn mang tính tuyên truyền là chính. Tình trạng vi phạm khai thác vẫn âm thầm diễn ra...

Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng đến các địa phương về việc phòng chống khai thác bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện việc thả giống; phát huy vai trò của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc quản lý khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, chi cục sẽ thực hiện dự án điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Quảng Bình để có giải pháp bảo tồn. 

Thay đổi nhận thức

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Bình, xác định việc bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản là nhiệm vụ cấp bách, gắn với phát triển bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

"Để nguồn lợi thủy sản nhanh chóng phục hồi, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của từng ngư dân. Chính họ phải là những người trực tiếp bảo vệ tài nguyên. Việc tham gia của người dân là yếu tố then chốt để triển khai các giải pháp bảo tồn tài nguyên dưới mặt nước hiệu quả. Chính quyền sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hành vi khai thác trái phép và xử lý quyết liệt hơn, nhất là với các phương thức khai thác tận diệt như sử dụng xung điện, thuốc nổ hay giã cào" - ông Tuấn nhấn mạnh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo