Theo Reuters, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới, gồm Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) diễn ra tại thị trấn Stresa ở Ý trong 2 ngày 24 và 25-5.
Một nội dung thảo luận tại hội nghị là sử dụng tài sản Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine.
Mỹ đang thúc giục các đồng minh nhất trí về một khoản vay được bảo đảm bởi thu nhập tương lai từ khoảng 300 tỉ USD tài sản của Moscow. Số tài sản này bị đóng băng không lâu sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine hồi tháng 2-2022.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hy vọng khoản vay trên có thể lên đến khoảng 50 tỉ USD. Tuy nhiên, một số quan chức G7 tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh hiện còn nhiều khía cạnh pháp lý và kỹ thuật phức tạp cần được giải quyết.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Ý Giancarlo Giorgetti lưu ý bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có cơ sở pháp lý vững chắc. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, đồng thời không kỳ vọng G7 sẽ đi đến quyết định cụ thể tại cuộc họp ở Stresa.
Trước đó, theo trang Politico, Liên minh châu Âu (EU) hôm 21-5 đã phê duyệt kế hoạch sử dụng 90% lợi nhuận (khoảng 3 tỉ euro) từ các tài sản Nga bị phong tỏa ở châu Âu để mua vũ khí cho Ukraine.
Bà Yellen cho biết Mỹ ủng hộ quyết định này của EU nhưng kêu gọi tìm kiếm những động thái tham vọng hơn. Quốc hội Mỹ vào tháng rồi trao cho Tổng thống Joe Biden thẩm quyền pháp lý để tịch thu 5 - 8 tỉ USD tài sản Nga đang bị phong tỏa ở Mỹ. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh họ muốn hành động phối hợp với các đồng minh G7 và châu Âu về vấn đề này.
Đáp lại các bước đi trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23-5 ký sắc lệnh, theo đó Moscow có thể tịch thu tài sản thuộc sở hữu của các thực thể và công dân có liên hệ với Mỹ ở Nga nếu Washington tìm cách tịch thu tài sản của Nga đang bị phong tỏa ở nước ngoài.
Theo RT, sắc lệnh phác thảo một cơ chế trong tương lai cho phép mọi thiệt hại do Mỹ gây ra sẽ được bù đắp bằng chính tài sản thuộc sở hữu của Mỹ hoặc các thực thể liên quan. Các tài sản này có thể bao gồm chứng khoán, cổ phần trong các công ty Nga, bất động sản, quyền sở hữu trí tuệ…
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng cảnh báo về các biện pháp trả đũa nhằm vào EU, đồng thời cho rằng động thái trên là bất hợp pháp và làm suy yếu nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.
Bình luận (0)