Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn giảm thiểu tác động môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng là hướng đi mà ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa hướng tới trong những năm qua, từ đó hình thành nên những mô hình nông nghiệp xanh, bền vững. Thực tế đã chứng minh rất nhiều mô hình nông nghiệp ở Thanh Hóa thành công, mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, tạo động lực giúp nông dân có hướng đi đúng đắn, cùng nhau làm giàu.
Nhiều tỉ phú canh nông
Nhờ mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nên từ một vùng đồng chiêm trũng, kém năng suất, bỏ hoang nhiều năm ở thôn Mỹ Xuân, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, anh Phạm Văn Phước (SN 1993, ngụ xã Vĩnh Yên) đã hình thành nên vườn cây ăn trái rộng hơn 10 ha, mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập mỗi năm khoảng 1,5 tỉ đồng.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, anh Phước nếm trải nhiều khó khăn, thử thách, có những thời điểm tưởng như không thể vượt qua được. Nhưng với quyết tâm vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng đất quê mình, anh Phước đã thành công.
Gia đình bà Nguyễn Thị Sanh (SN 1957; ngụ phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cũng đổi đời nhờ mô hình trồng cây ăn quả, mỗi năm doanh thu hàng tỉ đồng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới trang trại xanh, an toàn.
Theo bà Sanh, vùng đất Bỉm Sơn có hệ thống núi đá xen lẫn những ngọn đồi tạo nên những thung lũng nhỏ. Ban đầu, khi mới về đây lập nghiệp, gia đình bà trồng chè, mía, sắn dây... Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao nhưng công sức bỏ ra lại rất lớn. Từ đó, bà Sanh dành nhiều thời gian tham quan, học tập các mô hình trồng cây ăn quả trong và ngoài tỉnh, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nhằm tích lũy kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Với những kiến thức có được, năm 2015, bà Sanh đầu tư cải tạo đất, làm hệ thống thủy lợi, mua giống cây ăn quả: cam, quýt, bưởi, nhãn... về trồng và hiệu quả mang lại ngoài mong đợi.
Trên diện tích 17 ha, gia đình bà Sanh đã hình thành vườn cây ăn quả cho năng suất cao với trên 5.000 gốc cam canh, 1.000 cây nhãn, 600 cây bưởi diễn và bưởi da xanh. Ngoài ra, bà Sanh còn trồng gần 10 ha dứa... Nhẩm tính, mỗi năm, vựa cây ăn quả của bà Sanh cho thu nhập từ 5-6 tỉ đồng, trừ chi phí, chủ vườn thu lãi khoảng 1 tỉ đồng.
Tương tự, mô hình trồng nho sữa Hàn Quốc và nho Kyoho Nhật Bản của anh Hoàng Văn Tuấn (SN 1986) và anh Quách Văn Sự (SN 1984) đã mang lại thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm cho mỗi người.
Cũng khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, cả anh Tuấn và anh Sự đã mạnh dạn cải tạo 7 ha đất đồi kém hiệu quả tại địa phương, đầu tư mô hình trồng nho. Dù gặp không ít khó khăn từ việc chưa có kinh nghiệm canh tác, đến thiếu nguồn vốn đầu tư… nhưng với quyết tâm chinh phục giống cây "quý tộc" này, 2 nông dân trẻ tuổi này đã gặt hái thành công, biến vùng đồi đất kém hiệu quả thành cánh đồng nho xanh mướt, mang lại giá trị kinh tế cao.
Không chỉ gia đình anh Tuấn, anh Sự, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần chục hộ đầu tư trồng nho ở các huyện: Thường Xuân, Nông Cống, Triệu Sơn... chủ yếu là các giống nho ngoại. Do đây là loại cây trồng cần vốn đầu tư lớn nên các hộ đều thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của đơn vị chuyển giao, mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, nhiều mô hình trồng nho đang có định hướng phát triển theo hình thức du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 170 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 13.500 ha sản xuất rau an toàn, hơn 765 ha sản xuất nông nghiệp chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất, giống biến đổi gien; 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, khoảng 700 trang trại chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và an toàn sinh học.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, cho biết xu hướng của nông nghiệp hiện nay không chỉ đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, tạo sự đột phá về năng suất và chất lượng nông sản, bảo đảm cân bằng hệ sinh thái mà còn phải bảo đảm an ninh lương thực và sinh kế cho nông dân.
Cũng theo ông Cường, công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
"Phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, giảm ô nhiễm môi sinh nông thôn, làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu là mục tiêu mà Thanh Hóa đang hướng đến và đang từng bước chuyển mình, chuyển dịch... hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững" - ông Cường khẳng định.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa tích tụ, tập trung được 33.801 ha để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; dự kiến chuyển đổi linh hoạt 10.656 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cao hơn.
Để hướng tới nền nông nghiệp an toàn, bền vững, theo ông Cường, mỗi nông dân cần học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa công nghệ vào đồng ruộng... để gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời, cần linh hoạt trong lựa chọn, ứng dụng công nghệ mới phù hợp với quy mô, điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, trong mỗi gia đình, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Bình luận (0)