Mục tiêu của việc giảng dạy và học tập ở trường phổ thông là học sinh (HS) đạt được chuẩn kiến thức trong chương trình giáo dục. Lúc đó, nhà trường, thầy cô giáo mới hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với HS và phụ huynh.
Phát huy năng lực tự học
Chất lượng học tập và giảng dạy được phân ra từng mức theo năng lực học tập của HS cũng như chất lượng giảng dạy của giáo viên (GV). Một môi trường giáo dục tốt đẹp là ở đó, người học, người dạy đều tận tâm, tận lực và kết quả phản ánh đúng năng lực của họ. Chương trình quy định như thế nào, học tập và giảng dạy thực hiện đúng chuẩn.
Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thực hiện tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới. Trong quá trình thực hiện, chương trình cần những bổ sung, hoàn thiện nhưng cơ bản đã đáp ứng yêu cầu giáo dục của Việt Nam.
Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Bậc tiểu học, dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học 35 phút. Bậc THCS và THPT mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học, mỗi tiết học 45 phút.
Một nền giáo dục tiến bộ là tổ chức dạy và học để người học có khả năng phát huy năng lực tự học của mình như trong mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định: "Thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi HS", trang bị cho HS kiến thức để có "khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời", "năng lực tự chủ và tự học".
Do vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đạt được mục tiêu về xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, khoa học, không có chủ trương dạy thêm, học thêm.
Đánh giá học sinh khách quan
Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư 17 ban hành về quy định dạy thêm, học thêm, trong đó nêu ra những trường hợp cấm dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, suốt thời gian dài, việc quản lý dạy thêm, học thêm theo tinh thần của Thông tư 17 đã không thực hiện được. Nguyên do là vì ra thông tư nhưng không có cơ quan quản lý theo đúng tinh thần của thông tư.
Thực tế, dạy thêm, học thêm vẫn khá phổ biến. Vậy vì sao dạy thêm, học thêm vẫn xảy ra như một nhu cầu tất yếu?
Về phía đội ngũ GV, từ khi kinh tế thị trường xuất hiện đã đáp ứng các nhu cầu xã hội, việc học thêm và dạy thêm trở thành quan hệ kinh tế tất yếu.
Từ dạy thêm, GV tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy vậy, có những môn học, HS không có hoặc ít nhu cầu học thêm. Chính điều này tạo nên sự bất bình đẳng trong thu nhập của GV, dẫn đến đầu vào của một số ngành sư phạm mất cân đối.
Khi đã dạy thêm, việc toàn tâm toàn ý cho việc dạy chính ở trường chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định. Đồng thời, những hiện tượng tiêu cực như tìm cách ép buộc HS phải đi học thêm nảy sinh trong xã hội.
Về phía HS, phụ huynh có những nguyên nhân do điều kiện lịch sử tạo nên. Một thời gian dài, mọi người sống trong xã hội bao cấp về kinh tế, bao cấp cả về tư duy, từ đó tạo nên tư tưởng ỷ lại, trông chờ, thiếu tính chủ động, sáng tạo. Gặp khó khăn trong học tập không tìm cách khắc phục, mà vội vàng tìm thầy cô dạy thêm cho đỡ vất vả.
Phụ huynh không có thời gian kèm con học nên "khoán trắng" cho thầy cô và nhà trường. Áp lực về điểm số, để lựa chọn khi xét điểm vào trường cũng tạo nên nhu cầu phải học thêm của HS.
Trái lại, ở những vùng nông thôn, nhiều HS gia đình khó khăn, không có điều kiện học thêm, chủ yếu tự học, tự vươn lên vẫn đạt kết quả cao trong các kỳ thi đại học.
Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là không dạy thêm, học thêm vì thời lượng quy định học tập cho các cấp là rất chuẩn xác, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi.
Việc dạy thêm, học thêm chỉ thực hiện khi trong lớp có những HS học yếu do năng lực, hoàn cảnh gia đình chưa bảo đảm cho HS học đạt yêu cầu. GV, nhà trường có trách nhiệm phụ đạo cho HS và sử dụng kinh phí từ ngân sách. Việc phụ đạo là trách nhiệm của GV, của nhà trường để bảo đảm quyền lợi của HS.
Ngoài ra, những HS tham gia đội tuyển HS giỏi, nhà trường tổ chức phụ đạo để các em có điều kiện tham gia thi.
Quá trình đánh giá HS khách quan, cần thực hiện chế độ lưu ban như trước đây ngành giáo dục đã từng làm, có như vậy HS mới nỗ lực tự học.
Nhà nước cũng cần thực hiện tốt chế độ lương để GV bảo đảm đủ sống trong điều kiện hiện nay.
Nếu dạy thêm, học thêm được luật hóa thì một hệ thống quản lý phải được hình thành mới có thể chế tài.
Thầy Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM (nay là Trường ĐH Công Thương TP HCM):
Dạy đúng, dạy đủ
Trước hết, việc dạy thêm cho HS yếu kém là trách nhiệm của nhà trường, phải miễn phí. Đã nhận HS vào trường thì phải có trách nhiệm "bảo hành" sản phẩm của mình. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của nhà trường.
Việc dạy thêm, học thêm ngoài chương trình đào tạo là thỏa thuận của người học và người dạy, người dạy phải đăng ký với cơ quan quản lý.
Người dạy thêm không chỉ là GV mà còn có thể là sinh viên, người hưu trí… tham gia. Học thêm không chỉ là môn văn hóa mà còn có âm nhạc, ngoại ngữ, luyện chữ đẹp, kỹ năng sống…
Tôi không phản đối dạy thêm, học thêm nhưng nhà trường phải hoàn thành trách nhiệm dạy đúng, dạy đủ cho tất cả HS của mình.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, GV Trường THPT Nguyễn Du (quận 10):
Để GV cam kết và tự chịu trách nhiệm
Nhìn vào các đề thi tuyển sinh vào lớp 10 hay tuyển sinh đại học dễ dàng thấy có nhiều câu hỏi vận dụng "vượt tầm" nội dung trong sách giáo khoa, thậm chí đề thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD-ĐT TP HCM còn "lệch" hẳn về các bài toán vận dụng thực tế mà nếu không đi học thêm bên ngoài, HS khó đạt điểm tốt. "Đã thi tuyển thì đề thi phải phân hóa" là luật "bất thành văn" bất kể HS có được học các kiến thức đó hay không.
Bên cạnh đó, dạy thêm cũng là công việc kiếm thêm thu nhập cho GV, khi mà mức lương cơ bản chưa đủ để trang trải nhu cầu cuộc sống, dẫn đến hệ lụy nhiều GV phải xoay xở tìm "nghề tay trái". Nhiều vấn đề đặt ra về lương tâm, trách nhiệm GV khi dạy thêm HS của mình, có trường hợp cá biệt, GV ép HS học thêm, thiên vị trong đánh giá HS...
Mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Tôi cho rằng dự thảo này có một số điểm mới như là xem việc dạy thêm là "kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường", bỏ quy định "Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa".
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều thay đổi so với các quy định trước đây. Tại điều 5 của dự thảo quy định "Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của GV có HS của lớp mà GV đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các HS đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc HS học thêm".
Điều này không cần thiết, khó quản lý cũng như chồng chéo, cồng kềnh. Việc dạy thêm, học thêm phải nên xem là một ngành nghề từ nhu cầu chính đáng của HS và phụ huynh.
Quản lý việc dạy thêm, học thêm nên đưa vào các quy định đăng ký cấp phép đối với hộ kinh doanh cá thể, với những cam kết đủ điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nhưng thủ tục cần tinh gọn hơn việc xin giấy phép hoạt động của trung tâm bồi dưỡng văn hóa. GV nào vi phạm các điều kiện đã cam kết thì đơn vị quản lý sẽ rút giấy phép có thời hạn hoặc cấm vĩnh viễn.
Tôi cho rằng việc dạy thêm cũng là một công việc đem lại giá trị xã hội, là nhu cầu kiếm thêm thu nhập chính đáng. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách.
Những quy định đưa ra phải nhằm bảo vệ quyền lợi HS, tránh những hành vi ép buộc, trái với đạo đức nhà giáo, cũng như qua đó nâng cao vai trò quản lý của đơn vị trường học, các cấp lãnh đạo.
Điều đó cần được tháo gỡ theo hướng đăng ký cấp phép kinh doanh cá thể, để GV cam kết và tự chịu trách nhiệm. Không thể mãi luẩn quẩn trong cái vòng "quản không được thì cấm".
Bình luận (0)