Đây là đề án được UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Quản lý y, dược cổ truyền - Bộ Y tế và các địa phương, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng từ cuối năm 2022 đến nay.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, diện tích có khả năng phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khá lớn. Tuy vậy, cơ chế, chính sách để phát triển ngành dược liệu chưa đủ mạnh; khả năng thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng các nhà máy, KCN dược liệu còn ít; chưa hình thành được các vùng sản xuất dược liệu tập trung theo tiêu chuẩn GACP - WHO; chế biến chỉ mới ở mức sơ chế ban đầu. Nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu còn mỏng.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải có cơ chế, chính sách và nguồn lực đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy, khai thác tiềm năng vùng nguyên liệu, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam. Do vậy, việc xây dựng Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực" là yêu cầu thực tiễn hết sức cần thiết và cấp bách.
Mục tiêu của đề án là hình thành và xây dựng trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam - trung tâm chế biến dược liệu của cả nước; góp phần thực hiện mục tiêu đưa ngành công nghiệp dược, dược liệu của Việt Nam thành ngành sản xuất hàng hóa có giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng để phát huy hết thế mạnh và tiềm năng trong việc phát triển vùng nguyên liệu dược quy mô lớn, địa phương cần được xem xét trên nhiều phương diện. Trong đó, cần tập trung phát triển sâm Ngọc Linh - loài cây trồng ưu tiên và cũng là đặc thù, thế mạnh của tỉnh. Quảng Nam dự kiến phát triển vùng nguyên liệu gồm sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu trên địa bàn với tổng diện tích 89.195 ha; mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh lân cận với diện tích 50.000 ha.
Cùng với phát triển nguyên liệu là việc đầu tư, xây dựng chuỗi nhà máy chế biến tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và 5 cơ sở thu mua, sơ chế - chế biến nguyên liệu từ vùng nguyên liệu đến TP Tam Kỳ, bảo đảm cung ứng cho khu công nghiệp dược liệu.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đề án được triển khai sẽ khắc phục được tình trạng nguồn lực tài chính phân bổ dàn trải và tình trạng thiếu bình đẳng về đầu tư, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Về xã hội, đề án sẽ thúc đẩy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí ở nơi khó khăn; tạo sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Về môi trường, việc trồng sâm và cây dược liệu sẽ nâng cao ý thức của người sản xuất, hạn chế nạn phá rừng, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có tờ trình kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam. Theo tờ trình, Quảng Nam là một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây sâm Ngọc Linh đặc hữu được công nhận là "quốc bảo". Tuy nhiên, theo danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thì sâm Ngọc Linh tự nhiên thuộc nhóm IA, do cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi trồng vì mục đích xuất khẩu. Đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh tự nhiên và nuôi trồng nhân tạo. Điều này gây khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi trồng đối với sâm Ngọc Linh tự nhiên và triển khai phát triển sản xuất - kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với sâm nuôi trồng nhân tạo…
Bình luận (0)