Ngày 28-12, tại nhà máy - lò đốt của Công ty TNHH thương mại và xây dựng An Sinh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng và các cơ quan có liên quan đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ vật chứng của vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Theo đó, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 456,9 kg ngà voi; 138,7 kg sừng tê giác; 6,2 tấn vảy tê tê và 3,1 tấn xương sư tử. Dự kiến phải mất 2 ngày, số tang vật trên mới được tiêu hủy hết.
Đây là vật chứng thuộc Bản án số 13/2023/HSST ngày 21-2 của TAND TP Đà Nẵng, là số động vật hoang dã (ĐVHD) buôn lậu từ châu Phi về Việt Nam, bị phát hiện ở Cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) trong năm 2021 và 2022, có tổng giá trị ước tính lên đến 300 tỉ đồng.
Trước đó, tháng 2-2023, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Tài (quê huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) 13 năm tù. Trong đó, 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm", 3 năm tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức". Đối tượng này cũng bị xử phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 2 đến 9-2021, theo chỉ đạo của người có tên July (chưa rõ nhân thân, lai lịch), Tài lập 2 công ty ma để nhập khẩu động vật hoang dã gồm ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, xương sư tử từ các nước châu Phi về Việt Nam qua cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng).
Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện, thu giữ tổng số tang vật như đã nêu trên, ước tính tổng giá trị lên đến 300 tỉ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Đức Tài còn cất giữ 10 vảy tê tê do người có tên July đưa làm hàng mẫu để cho khách hàng xem.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), nhìn nhận việc tiêu hủy toàn bộ tang vật của vụ án một lần nữa thể hiện tinh thần không khoan nhượng với tội phạm về ĐVHD của các cơ quan chức năng.
"Hành động mang tính biểu trưng này cũng cho thế giới thấy quyết tâm và tính hiệu quả trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam. ENV hi vọng tính triệt để trong quá trình xử lý vụ án tại Đà Nẵng sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới, đặc biệt trong công tác xử lý các vụ án quy mô lớn tại khu vực cảng biển" – bà Hà chia sẻ.
Từ năm 1989 đến nay, đã có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ tiến hành tiêu hủy một phần hoặc toàn bộ kho tang vật ngà voi và sừng tê giác bị tịch thu. Tại Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần tiến hành tiêu hủy khối lượng lớn ngà voi, sừng tê giác bị tịch thu. Vụ tiêu hủy lớn nhất diễn ra vào tháng 11-2016 với khối lượng tang vật bị tiêu hủy lên đến hơn 2 tấn ngà voi và 70 kg sừng tê giác trước thềm Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán quốc tế ĐVHD.
Bình luận (0)