Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 110 dự án chậm tiến độ, trong đó có 28 dự án chưa được giao đất. Còn lại 81 dự án chậm (14 dự án trong khu kinh tế Dung Quất, 67 dự án ngoài khu kinh tế) có 24 dự án đã cho thuê đất, 57 dự án chưa cho thuê đất.
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Trọng, cho biết nguyên nhân khách quan chậm tiến độ là vướng mắc đất đai, một số dự án Nhà nước thu hồi đất vướng thủ tục dẫn đến kéo dài; số khác quy hoạch xây dựng thay đổi, phải thực hiện theo kết luận của thanh tra, kiểm tra… Một số dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư chây ì.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi 61 dự án chậm tiến độ và chấm dứt một số dự án bất động sản. Tuy nhiên, việc xử lý các dự án chậm tiến độ còn gặp vướng mắc bởi Luật Đầu tư năm 2014 quy định các dự án sau 12 tháng không thực hiện sẽ thành lập tổ kiểm tra, tham mưu chấm dứt dự án.
Nhưng Luật Đầu tư 2020 lại không có điều khoản này. Từ đó, nhiều dự án không thực hiện nhưng cũng chẳng thể chấm dứt. Ngoài ra, một số dự án chậm, nhà đầu tư đã thi công trên đất rất lớn, cần có thời gian để giải quyết thấu tình đạt lý.
"Sắp tới đây, nếu dự án nào nhà đầu tư quyết tâm làm thì tỉnh sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Nhà đầu tư chây ì, chậm tiến độ quá 24 tháng sẽ kiểm tra, chấm dứt dự án"- ông Trọng nói.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi, thực tế việc thu hồi đất đối với các dự án quá thời hạn không hề đơn giản, bởi lẽ có dự án chậm do nguyên khách quan, lại có dự án chậm do nhà đầu tư cố tình không làm.
Từ năm 2019 đến nay, Sở TN-MT đã thanh tra 13 dự án, chấm dứt 3 dự án. 10 dự án đề nghị xem xét gia hạn vì chậm khách quan do vướng mặt bằng, dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, nhà đầu tư cũng cam kết thực hiện. Về quy trình chấm dứt dự án chậm tiến độ, luật quy định nhà đầu tư được gia hạn 24 tháng. Do đó, muốn xử lý phải thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
"Hàng loạt dự án ở khu kinh tế Dung Quất chậm tiến độ, có dự án chậm 4-5 năm, có dự án 10 năm. Năm 2025, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh rà soát toàn bộ quỹ đất ở Dung Quất để có hướng xử lý, tháo gỡ. Nhà đầu tư nào tiếp tục thì tạo điều kiện tiếp cận đất đai; nhà đầu tư nào không có khả năng triển khai thì chấm dứt"- ông Trung nói.
Ông Trung dẫn chứng, như khu du lịch Thiên Đàng, dự án này có quỹ đất rất đẹp ở khu kinh tế Dung Quất nhưng chậm tiến độ hàng chục năm. Đến nay, dự án lâm vào tình trạng "chết yểu" sau gần 20 năm đầu tư. "Khu du lịch Thiên Đàng là vấn đề phức tạp, nhiều năm qua tỉnh đã bàn giải pháp những vẫn chưa "chốt" được là hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục hoạt động hay chấm dứt dự án" - ông Trung nói.
Theo ông Trung, để đưa ra quyết định phải đi từ gốc vấn đề, bởi dự án này thực hiện từ khi khu kinh tế Dung Quất hình thành, là một trong những nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực du lịch. Thực tế đã đầu tư khá lớn, nhưng việc quản lý vận hành, mở rộng bị ảnh hưởng. Đến giờ, dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, nên việc triển khai tiếp theo gặp khó.
"Năm 2025 sẽ phối hợp rà soát tất cả các dự án đã cấp chủ trương đầu tư để đánh giá toàn diện. Quan điểm là rà soát, đánh giá toàn diện trên tinh thần không để thiệt thòi cho nhà đầu tư khi đã đổ quá nhiều vốn vào dự án"- Quyền Giám đốc Sở TN&MT cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, cho rằng các dự án gặp vướng mắc thủ tục, pháp lý cần được rà soát lại để xác định tiến độ, báo cáo cụ thể. "Không để đến thời điểm thanh tra, kiểm tra mới xác định, công bố dự án chậm tiến độ. Phải kiểm tra, công bố công khai đối với những dự án chậm đưa đất vào sử dụng, chậm triển khai thực hiện… và có giải pháp xử lý"- bà Vân nhấn mạnh.
Bình luận (0)