Mấy ngày qua, dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (nối hai xã Tịnh An và Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đang được chủ đầu tư thi công trở lại sau nhiều năm đình trệ.
Để thi công dự án, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư dự án) thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (đợt 1) cho 18 hộ dân thuộc diện tái định cư.

Ông Nguyễn Chúc, 86 tuổi - một hộ dân thuộc diện di dời nói: "Không biết lấy tiền đâu đóng, để nhận lô đất tái định cư ở nơi ở mới, dù hiện tại ông đang có nhà cửa ổn định đã mấy chục năm qua". Ảnh: T.Trực
Bà Nguyễn Phan Linh Quỳnh cho biết, bà có một thửa đất thuộc diện bị thu hồi để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án, với diện tích 159 m² đất ở hoàn toàn. Khi lập phương án đền bù, ban đền bù thông báo tổng số tiền nhận được cho 159 m² đất ở gần 124 triệu đồng (giá bồi thường 780.000 đồng/m²). Nếu muốn nhận một lô đất ở khu tái định cư mới (diện tích 100 m², thuộc thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi), bà phải đóng tiền chênh lệch gần 700 triệu đồng (giá đất nơi tái định cư là 8,2 triệu đồng/m²).
"Tôi làm công nhân, hiện gia đình và con cái đều đi ở trọ. Trước kia được ông bà cho lô đất, dự kiến để làm nhà ở. Bây giờ Nhà nước thu hồi đất nhưng yêu cầu đóng tiền sử dụng đất quá lớn như vậy thì làm sao tôi có đủ tiền? Nhiều lần tôi nêu ý kiến nhưng đơn vị làm đền bù thông báo đã làm đúng quy định… Họp nhiều lần tôi đều không ký, nhưng bị đe dọa sẽ cưỡng chế nên đành phải ký biên bản nhận tiền. Ngay cả nhiều trường hợp khác cũng vậy, đều phải miễn cưỡng chấp nhận phương án nhận tiền - bà Quỳnh nói.

Bà Trần Thị Bích Linh và ông Trần Văn Hòa lo lắng chưa biết xoay xở đâu ra tiền để nhận đất tái định cư cũng như xây nhà mới để ở. Ảnh: T.Trực
Ông Trần Hùng Vinh cho biết ông có ba lô đất thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng để thi công dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, với diện tích mỗi lô lần lượt là 164 m², 105 m² và 101 m² đất ở hoàn toàn. Khi có phương án bồi thường, ban bồi thường thông báo ông được nhận tổng số tiền bồi thường hơn 330 triệu đồng và được một lô đất tái định cư (diện tích 112 m², thuộc thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi), có giá hơn 900 triệu đồng.

Căn nhà của ông Nguyễn Chúc đã ở hàng chục năm qua. Ảnh: T.Trực
"Đơn vị làm đền bù yêu cầu gia đình tôi phải đóng tiền chênh lệch hơn 600 triệu đồng để được nhận một lô tái định cư. Việc này vượt quá khả năng của người dân nghèo chúng tôi nên tôi không đồng ý ký biên bản nhận tiền" - ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, quá trình làm đền bù có nhiều bất cập như: người dân không được tổ chức họp để thông báo mức giá đất chênh lệch khi thực hiện tái định cư. Mức giá chỉ được thông báo sau khi người dân đã ký nhận đất… "Riêng cá nhân tôi cũng chỉ mới nhận được thông báo thu hồi đất cách đây chưa đầy một tuần"- ông Vinh phản ánh.

Khu tái định cư bố trí cho những trường hợp di dời
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài trường hợp của bà Quỳnh và ông Vinh, các trường hợp khác thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng nếu muốn nhận đất tái định cư tại nơi ở mới cũng phải đóng hàng trăm triệu đồng chênh lệch tiền sử dụng đất. Trong khi nhiều hộ khác có nhà cửa, vật kiến trúc trên đất… khi nhận tổng tiền bồi thường, hỗ trợ cũng chỉ đủ đóng tiền nhận một lô tái định cư. Họ không biết lấy tiền đâu để xây nhà mới.
Trao đổi về việc này, đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết phương án bồi thường tái định cư được Ban Quản lý xây dựng và UBND TP Quảng Ngãi phê duyệt.

Biên bản chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho bà Trần Thị Bích Linh (có diện tích 196m2 đất ở hoàn toàn). Ảnh: T.Trực
Về cơ sở pháp lý, phương án dựa trên Quyết định 32/2024/QĐ-UBND và Quyết định 20/2025/QĐ-UBND (ban hành ngày 11-3-2025) của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Về cơ sở tính tiền bồi thường tại nơi bị thu hồi và nơi tái định cư, đơn giá được điều chỉnh theo Quyết định 73/2024/QĐ-UBND. Cụ thể, giá tại nơi đến khoảng 8,2 triệu đồng/m², còn giá ở nơi thu hồi khoảng 780.000 đồng/m².
"Hiện tại có 14 hộ đã đồng ý nhận tiền, còn 4 hộ chưa nhận... Phần lớn người dân kiến nghị số tiền chênh lệch giữa nơi thu hồi đất và nơi bố trí tái định cư là quá lớn. Việc này chúng tôi đã giải thích rõ ràng... Chúng tôi hoàn toàn thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành" - đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi nói.
Dự án Đập dâng sông Trà Khúc nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, thuộc TP Quảng Ngãi, có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, chiều dài gần 800 m, nối hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa. Dự án được khởi công năm 2019, dự kiến hoàn thành sau 2 năm để dâng nước tạo cảnh quan cho dòng sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi và ngăn xâm nhập mặn.
Tuy nhiên, năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận UBND tỉnh có sai phạm khi sử dụng nguồn cải cách tiền lương để làm đập. Đến năm 2022, dự án mới được tái khởi động, dời tiến độ hoàn thành sang năm 2023. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục dời tiến độ do vướng mặt bằng đoạn qua ốc đảo Ân Phú (giữa sông Trà Khúc). Đến đầu tháng 5-2025, dự án được khởi động trở lại sau thời gian dài "đìu hiu".
Bình luận (0)