Theo Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT mà Chính phủ vừa ban hành, từ 1-7, mức đóng BHYT hộ gia đình hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Các thành viên hộ gia đình cùng tham gia BHYT hộ gia đình trong năm tài chính được giảm trừ mức đóng. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Mức đóng BHYT hộ gia đình (đơn vị tính đồng Việt Nam)
Đối với nhóm đóng BHYT do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Gồm các đối tượng:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

Mức đóng BHYT của người lao động bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam (trừ trường hợp là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc tại thời điểm giao kết HĐLĐ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác);
- Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất theo quy định của pháp luật về BHXH;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
Đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương; Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH, mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và do đối tượng đóng.
Mức đóng hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định của pháp luật bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Người lao động là cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của tháng liền kề trước khi bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người sử dụng lao động và người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
Trước đó, như Báo Người Lao Động thông tin, trên các trang mạng xã hội lan truyền việc tăng mức đóng BHYT của người lao động lên 6% từ 1-7. Tuy nhiên, thông tin này đã bị cơ quan BHXH bác bỏ.
Bình luận (0)