Sau vụ tranh chấp xảy ra mới đây liên quan đến việc doanh nghiệp (DN) thông báo chuyển đổi chủ sở hữu, tình hình tại Công ty TNHH Mido (100% vốn Hàn Quốc, huyện Hóc Môn – TPHCM) tạm lắng dịu khi toàn bộ 600 công nhân (CN) đã trở lại làm việc. Tuy nhiên, theo nhận định của LĐLĐ huyện Hóc Môn, đây chỉ là sự ổn định mong manh, bởi tập thể CN vẫn bức xúc trước những việc làm khó hiểu của lãnh đạo công ty.
Nhập nhèm chuyển đổi chủ sở hữu
Công ty TNHH Mido hoạt động được hơn 1 năm do bà Choi Sook Hee làm tổng giám đốc. Thời gian đầu, công ty hoạt động khá ổn định, song từ đầu năm 2008 đến nay, đã 5 lần xảy ra tranh chấp. Nguyên nhân chính là do CN không được bảo đảm việc làm, thu nhập bấp bênh, quyền lợi khác bị xâm phạm.
Lần tranh chấp xảy ra gần đây nhất là vào ngày 16-10. Toàn bộ 600 CN đồng loạt ngừng việc, đề nghị giám đốc phải giải quyết rạch ròi quyền lợi cho CN khi DN chuyển đổi sở hữu. Làm việc với các cơ quan chức năng huyện Hóc Môn, đại diện công ty xác nhận do làm ăn thua lỗ nên đã bàn giao toàn bộ nhà xưởng cho Công ty TNHH Jung Myung. Hiện hàng hóa đang gia công là của Công ty Jung Myung. Phía công ty cho biết đã họp với các tổ trưởng thông báo về tình hình thay đổi chủ sở hữu và cam kết sẽ bảo đảm các chế độ chính sách theo luật định cho CN. Tuy nhiên, cách làm nhập nhèm này đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của tập thể CN: “Chúng tôi ký hợp đồng với Công ty Mido chứ không phải Công ty Jung Myung. Làm sao biết việc gì sẽ xảy ra sau này nếu Công ty Jung Myung từ chối giải quyết quyền lợi cho chúng tôi?”.
Trước đòi hỏi chính đáng của CN, cả hai công ty trên đã “chữa cháy” bằng cách ra thông báo cam kết bảo đảm các quyền lợi (phép năm, tiền thưởng Tết, truy nộp tiếp tục BHXH) theo luật định cho CN. Tuy nhiên, thông báo này tiếp tục bị tập thể CN phản ứng, bởi thực tế Công ty TNHH Jung Myung đến nay vẫn chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh tại VN. Thay vì giải quyết bức xúc của CN thì đến sáng 20-10, lãnh đạo hai công ty lại ép CN ký cam kết, theo đó nếu CN nào thuận với nội dung thông báo trước đó sẽ được vào công ty làm việc.
Quy định trái luật, hành xử tùy tiện
Một trong những nguyên nhân khiến Công ty Mido luôn bất ổn chính là do công ty thường xuyên vi phạm pháp luật lao động. Từ đầu năm 2008 đến nay, LĐLĐ huyện đã nhận được 17 đơn thư khiếu nại của CN về việc bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không giải quyết chế độ theo luật định.
Rất nhiều trường hợp bị công ty sa thải vô cớ. Chỉ vì một xích mích nhỏ do bất đồng ngôn ngữ với ông Kang, nhân viên kỹ thuật người Hàn Quốc, anh N.H.T lập tức bị sa thải. Tương tự là trường hợp chị L.T.P., do bị đau răng và không muốn làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp trong giờ ăn trưa, chị L.T.P không vào nhà ăn mà tự ý ăn riêng trong xưởng. Thay vì nhắc nhở, bà Choi Sook Hee đã quyết định sa thải. Không chỉ sa thải CN vô cớ, Công ty Mido còn đề ra các quy định trái luật gây bức xúc trong CN như nghỉ không phép một ngày bị trừ hai ngày lương, nghỉ ba ngày liên tục sẽ bị buộc thôi việc... Từ tháng 6-2008 đến nay, Công ty Mido không trích nộp BHXH cho CN với số tiền nợ lên đến hơn 700 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn: Công ty không khắc phục sai phạm Từ khi hoạt động đến nay, Công ty TNHH Mido đã 9 lần xảy ra tranh chấp lao động. LĐLĐ huyện đã nhiều lần kiến nghị Sở LĐ-TB-XH TPHCM kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại công ty. Thế nhưng, sau khi bị kiểm tra và nhắc nhở, công ty vẫn không khắc phục sai phạm. Hiện việc chuyển đổi chủ sở hữu vẫn chưa được giám đốc Công ty Mido giải quyết dứt điểm khiến CN hoang mang, bất ổn. LĐLĐ huyện đã kiến nghị LĐLĐ TP và Sở LĐ-TB-XH tiến hành phúc tra việc chấp hành pháp luật lao động tại công ty. |
Bình luận (0)