xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đủ cách chống chế

Bài và ảnh: Phạm Hồ

Nợ BHXH thì bỏ trốn, sai phạm thì cấm cửa đoàn kiểm tra; bị xử phạt thì viện đủ lý do để không đóng... Đó là cách hành xử của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay

Cuối tuần qua, Phòng LĐ-TB-XH quận Tân Phú - TPHCM đã kiến nghị với các cơ quan chức năng truy tìm một số doanh nghiệp (DN) đột ngột “biến mất” khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh. Các DN này hiện đang nợ tiền BHXH của hàng trăm lao động.

Nợ thì... chạy

Các DN này đều có trụ sở ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, gồm: Công ty TNHH A.M.I.S (đường Tân Quý), Công ty Nguyên Vũ (đường Tây Sơn), Công ty Nền Tảng (đường số 19) và Công ty Á Đông (đường Đô Đốc Long). Đây chỉ là những DN vi phạm được phát hiện trong một đợt kiểm tra của quận Tân Phú trong quý III/2008 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc BHXH quận Tân Phú, cho biết: Thời gian qua, cơ quan BHXH quận đã thống kê có đến 90 DN, cơ sở sản xuất nợ BHXH tổng cộng khoảng 1 tỉ đồng đã bặt vô âm tín. Liên lạc với DN thì chẳng nghe trả lời. Cơ quan BHXH quận đã gởi danh sách này sang cơ quan chức năng quận để truy tìm. Điều mà cơ quan BHXH lo lắng là không tìm được khoảng 200 lao động tại các DN này để chốt sổ BHXH cho thời gian đã đóng BHXH trước đó.

Vừa qua, Cơ quan BHXH TPHCM cũng hoàn tất hồ sơ khởi kiện Công ty TNHH Đồ chơi quốc tế Lucky VN (quận Bình Tân – TPHCM). Trong nhiều năm liền, công ty không đóng BHXH cho người lao động và hiện còn nợ khoảng 1 tỉ đồng. Cách đây không lâu, 350 công nhân đã ngừng việc yêu cầu công ty không ép buộc tăng ca quá sức, đóng BHXH... Cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt nhưng công ty vẫn phớt lờ. Một công ty may mặc nổi tiếng ở quận Tân Bình cũng nợ BHXH đến 5,2 tỉ đồng. Người lao động đã gởi đơn khiếu nại khắp nơi.

"Tạm dừng hoạt động..."

Nhiều cán bộ lao động dở khóc, dở cười với những kiểu hành xử “quái chiêu” của các DN. Ở quận Tân Bình, sau khi kiểm tra, phát hiện sai phạm, đoàn kiểm tra liên ngành quận xử phạt DN Vạn Thái 9,5 triệu đồng. Khi đưa quyết định xử phạt, DN không nhận mà chống chế: “Không biết luật nên không có tội”.

Giữa tháng 9-2008, qua kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại Công ty TNHH Ngân Thanh (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) cơ quan chức năng phát hiện công ty vi phạm các quy định an toàn về phòng chống cháy nổ nên ra quyết định xử phạt. Khi đến gần thời hạn cuối thi hành quyết định xử phạt, công ty gửi đến các cơ quan thông báo “tạm dừng hoạt động xưởng may”, lý do là “chưa nhận được sự hỗ trợ đúng mức từ các cơ quan ban ngành”.

Cấm cửa đoàn kiểm tra

Một DN làm đau đầu các cơ quan chức năng quận 8- TPHCM là Công ty Khải Duyệt. Nhận được khiếu nại của công nhân vì công ty vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, đoàn kiểm tra liên ngành quận gởi thông báo đến công ty trước 15 ngày để đến kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động. Đến ngày kiểm tra, bảo vệ công ty không cho vào mà yêu cầu đoàn kiểm tra ngồi chờ ở phòng bảo vệ. Chờ cả buổi mới thấy bảo vệ ra thông báo công ty không có người tiếp, mời đoàn ra về. Hai năm qua, vụ việc cứ lặp đi lặp lại.

Công ty Hải Sơn, có trụ sở tại phường 7, quận 8 nhưng xưởng sản xuất bao PP lại nằm ở huyện Bình Chánh –TPHCM. Trong quá trình sản xuất, công ty cũng vi phạm nhiều quy định của pháp luật lao động. Đến khi đoàn kiểm tra yêu cầu được kiểm tra xưởng sản xuất thì công ty không cho vào. Lý do công ty đưa ra: Xưởng sản xuất ở huyện Bình Chánh nên cơ quan chức năng quận 8 không được kiểm tra. Một cán bộ lao động quận 8 ngao ngán: “Hành xử như thế thì còn gì là pháp luật”.

Ông Nguyễn Huy Cận, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:

Pháp luật đã không được tuân thủ

Với gần 1,5 triệu người, đội ngũ CNLĐ của TP đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của TP nói riêng và cả nước nói chung. Nhận thức được điều đó, nhiều DN chăm lo tốt cho người lao động (NLĐ) và phát triển ổn định. Nhưng ở một số DN, CNLĐ chưa được nhìn nhận xứng đáng với những đóng góp của mình. Những vi phạm của các công ty này đã được tổ chức CĐ TP thông báo kịp thời nhiều lần cho các cơ quan chức năng và kiến nghị có biện pháp kiên quyết xử lý để bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

Đơn cử như mới đây thôi, khi phát hiện giám đốc Công ty Vina Haeng Woon Industry có những hành vi tẩu tán tài sản trong khi đang nợ lương, BHXH của công nhân (CN), chủ tịch CĐ cơ sở đã có báo cáo với các cơ quan chức năng nhưng cuối cùng giám đốc công ty đã biến mất khiến hàng trăm CN rơi vào cảnh trắng tay, hàng chục CN không còn tiền trả cho chủ nhà trọ. Chúng tôi thật sự day dứt khi quyền lợi của hàng ngàn lao động đã bị các chủ DN nhẫn tâm tước bỏ. Chúng ta có đủ chế tài, nhưng pháp luật đã không được thực thi đồng bộ và hậu quả là CNLĐ phải gánh chịu. Nếu thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, sẽ nâng cao lòng tin của CN vào pháp luật, chính quyền và giảm đi những hành vi tự phát để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM:

Cần xem lại hiệu lực quản lý của chính quyền

Tình trạng một bộ phận CN hiện nay là quá cực khổ. Tiền lương thấp, vật giá leo thang, lại bị chủ DN quỵt lương, không đóng BHXH, thậm chí có nhiều CN đã bị chủ nhà “trục xuất” khỏi nhà trọ do không có tiền trả tiền thuê nhà. Trách nhiệm này thuộc về ai? Chúng ta có cả hệ thống các cơ quan từ cơ sở đến TP với đủ ban, ngành mà vẫn để tình trạng DN vi phạm pháp luật ngang nhiên như vậy thì cần phải xem lại hiệu lực quản lý của chính quyền.

Theo dõi thông tin qua báo chí, tôi thấy tình trạng một số DN vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, nợ lương, nợ BHXH và sau đó bỏ trốn chủ yếu xảy ra tại một số DN Hàn Quốc. Chính quyền TPHCM cần làm việc trực tiếp với Tổng Lãnh sự Hàn Quốc để có biện pháp yêu cầu các chủ DN đã bỏ trốn phải quay lại để giải quyết quyền lợi của CN cũng như các khoản nợ dân sự khác. Chúng ta mở cửa đón nhận những nhà đầu tư chân chính, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, chứ không hoan nghênh những nhà đầu tư chụp giật kiểu đó.

 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM:

Pháp luật đang bị vô hiệu hóa?

Việc DN nợ lương, BHXH trong thời gian dài, rồi sau đó bỏ trốn đã được công luận phản ánh từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Vì sao CN phải gánh chịu hậu quả như thế, trong khi họ chỉ biết cần mẫn bán sức lao động để kiếm sống và không có đủ điều kiện, quyền lực để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Lấy ví dụ trường hợp Công ty Kwang Nam, từ năm 2003 đến nay, HĐND đã từng giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty này và có ý kiến yêu cầu chính quyền phải xử lý dứt điểm vụ việc, không để nợ BHXH dây dưa, kéo dài, gây thiệt hại cho người lao động. Thế nhưng, đến nay, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp, công ty này vẫn cố tình thách thức pháp luật. Phải chăng, pháp luật của chúng ta đang bị giễu cợt, vô hiệu hóa?

 

Luật sư Trần Văn Phước, Đoàn Luật sư TPHCM:

Đủ quy định chế tài

Pháp luật quy định rất rõ, ngoài việc xử phạt hành chính, nếu DN không thực hiện việc chấn chỉnh các sai phạm thì cơ quan chức năng cấp quận kiến nghị với cơ quan chức năng cấp TP tiếp tục kiểm tra, xử phạt. Nếu DN vẫn ngoan cố thì đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành liên quan rút giấy phép hoạt động.

N.Dương ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo