Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) vừa có công văn gửi các bộ Tài chính, LĐ-TB-XH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo tình hình cho vay đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại các quốc gia khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Theo Tổng Giám đốc Hà Thị Hạnh, Ngân hàng CSXH đã có văn bản chỉ đạo chi nhánh ở các tỉnh, TP xúc tiến thủ tục xử lý nợ rủi ro theo quy định đối với các trường hợp phải về nước trước hạn.
Lao động Việt Nam trở về từ Libya
Gỡ mối lo tiền vay cho NLĐ
Theo báo cáo, tính đến ngày 28-2-2011, Ngân hàng CSXH đã cho vay theo chương trình XKLĐ với 39.270 khách hàng đang còn dư nợ, tổng số dư nợ đạt 807 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ đối với khách hàng là lao động nghèo thuộc đối tượng cho vay theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ là 93,9 tỉ đồng với 3.797 khách hàng. Riêng đối với khách hàng là người lao động (NLĐ) sang khu vực Bắc Phi và Trung Đông, tính đến ngày 16-3-2011, tổng số dư nợ cho vay là 118 tỉ đồng với 4.874 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay đi XKLĐ tại Libya là 37,4 tỉ đồng với 1.581 khách hàng còn dư nợ.
Hiện nay, các chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, TP đang tiến hành phân loại để triển khai các biện pháp, thủ tục xử lý nợ rủi ro đối với các trường hợp phải về nước trước hạn. Hướng xử lý nợ rủi ro sẽ thực hiện theo Quyết định 50 ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng CSXH. Cụ thể, lao động Việt Nam tại Libya bị rủi ro về nước tùy từng trường hợp mà áp dụng biện pháp gia hạn nợ, khoanh nợ.
Đối với gia hạn nợ, NLĐ được phép kéo dài thời hạn trả nợ theo cam kết trong hợp đồng tín dụng không quá 12 tháng hoặc không quá 1/2 thời hạn cho vay. Đối với những lao động sau khi vay chưa được Ngân hàng CSXH thu nợ (trường hợp mới sang Libya) sẽ được xem xét áp dụng biện pháp khoanh nợ, thời gian khoanh nợ (không trả gốc, lãi) tối đa 3 năm, chưa kể khoanh nợ bổ sung.
Ngoài Ngân hàng CSXH, phần đông NLĐ đi làm việc ở Libya vay vốn từ Ngân hàng NN-PTNT. Tới đây, sau khi có báo cáo đầy đủ từ chi nhánh ở các tỉnh, thành, ngân hàng này cũng sẽ thực hiện chính sách gia hạn nợ, khoanh nợ cho NLĐ.
Các địa phương vào cuộc
Hiện tại, các tỉnh, thành có NLĐ sang Libya làm việc cũng tập trung hỗ trợ, giúp NLĐ ổn định cuộc sống. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có khoảng 1.700 lao động sang Libya làm việc, trong đó có đến 27% thuộc diện nghèo, 68% lao động phải vay vốn ngân hàng để nộp chi phí đi XKLĐ. Để giúp NLĐ vượt qua khó khăn, ổn định việc làm và đời sống, mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định hỗ trợ mỗi NLĐ 1 triệu đồng. Ngoài ra, NLĐ còn được ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm miễn phí; được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Hà Tĩnh cũng là địa phương có đông lao động sang Libya làm việc với 1.366 người. Theo Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, song song với việc phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN) vận động NLĐ từ Libya trở về tiếp tục sang các thị trường khác làm việc là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề để đưa NLĐ vào làm việc tại các DN và KCN Vũng Áng đóng trên địa bàn.
Các địa phương có ít lao động sang Libya cũng đang tập trung giải quyết hậu quả cho NLĐ. Tại Thừa Thiên - Huế, 36 lao động từ Libya trở về đều mong muốn tiếp tục ra nước ngoài làm việc. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB-XH tỉnh phối hợp với các DN tổ chức tiếp nhận hồ sơ của NLĐ. Còn tại Ninh Bình, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 231 lao động từ Libya trở về mỗi người 3 triệu đồng. Hiện Sở LĐ-TB-XH tỉnh đang xây dựng phương án giải quyết việc làm, tổ chức dạy nghề cho NLĐ, phối hợp với các ngân hàng triển khai các biện pháp gia hạn nợ, khoanh nợ cho NLĐ.
Ba doanh nghiệp muốn tiếp nhận 4.000 lao động
Chương trình “Tiếp sức lao động trở về từ Libya” của Báo Người Lao Động khởi động từ ngày 12-3. Hiện có ba DN liên hệ về chương trình, muốn tiếp nhận những lao động bị rủi ro về nước trước hạn. Đó là Công ty TNHH Hùng Cá và Công ty CP Vạn Ý ở Đồng Tháp cần tiếp nhận 3.000 người vào làm công nhân nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa, Công ty TNHH RK Resources (sản xuất đồ gỗ gia dụng) ở Bình Dương cần 1.000 lao động sản xuất đồ gỗ gia dụng.
Theo cam kết của Công ty Hùng Cá và Công ty Vạn Ý, NLĐ được hỗ trợ chỗ ở, được hưởng lương trong thời gian học nghề từ 1,5 triệu - 1,8 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân từ 2,5 triệu - 4 triệu đồng/tháng. Còn tại Công ty RK Resources, sau tháng đầu tiên thử việc (lương 3 triệu đồng/tháng), NLĐ sẽ được xét ký hợp đồng, được tham gia đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cùng các chế độ thưởng tuần, thưởng năng suất tháng… Công ty bố trí chỗ ở miễn phí cho NLĐ trong ký túc xá tiện nghi, có nhà giữ trẻ dành cho trẻ từ 2 đến 4 tuổi.
Lao động trở về từ Libya có nhu cầu làm việc tại các DN trên, liên hệ nộp hồ sơ theo địa chỉ: Công ty Hùng Cá và Vạn Ý: Cụm Công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, đường dây nóng: 0985.338766 (gặp Thúy Phương), 0918.461304 (gặp anh Tài). Công ty RK Resources: ấp 5, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, điện thoại: 0650.534556.
Các DN tham gia chương trình vui lòng gửi thông tin về Phòng Việc làm Báo Người Lao Động, số 14 Cách Mạng Tháng Tám, P. Bến Thành, Q.1 – TPHCM, ĐT: 08.39301698; hoặc văn phòng tại Hà Nội: 16 F Phùng Hưng, ĐT: 04.39274484; email: quocnd@nld.com.vn, vieclam@nld.com.vn, ctcd@nld.com.vn. Hoặc đường dây nóng: 0918257221 (anh Duy Quốc). |
Bình luận (0)