* Phóng viên: Tại sao việc hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) lại chậm trễ như vậy, thưa ông?
- Ông Nguyễn Thanh Hòa: Vấn đề NLĐ trở về từ Libya cần sự chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và NLĐ. Chính phủ đã tổ chức đưa NLĐ về nước kịp thời, an toàn. Đây là một cố gắng rất lớn. Vừa qua, Nhà nước đã hỗ trợ bước đầu cho mỗi lao động 1 triệu đồng.
Bộ LĐ-TB-XH sẽ đặc biệt lưu ý những trường hợp khó khăn, thời gian làm việc ngắn, chưa bù đắp được chi phí. Nhưng mức hỗ trợ bao nhiêu thì các cơ quan vẫn còn phải bàn bạc. Bộ đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước nghiên cứu, đề xuất các phương án hỗ trợ. Việc lớn nhất là tạo việc làm; có thể làm trong nước hoặc chuyển sang thị trường khác. Bộ đã chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện việc làm cho NLĐ. Việc thúc đẩy thị trường Malaysia cũng nhằm giải quyết việc làm cho NLĐ từ Libya trở về.
* Bộ LĐ-TB-XH có nói khoảng 2 tuần sau khi về nước sẽ thanh lý hợp đồng cho NLĐ; còn DN lại nói chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thanh lý được. Tại sao lại có chuyện tréo ngoe này?
- Không có quy định trường hợp này thì phải thanh lý hợp đồng trong 2 tuần. Nhưng tinh thần chung là các cơ quan phải khẩn trương thanh lý. Hiện DN bị vướng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Bản thân DN cũng muốn được hỗ trợ vì thực tế họ đã bị thiệt hại rất lớn và trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Việc này không chỉ mình Bộ LĐ-TB-XH quyết định mà còn liên quan tới các bộ, ngành khác và phải báo cáo tiếp.
Lao động Việt Nam từ Libya về đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: duy Quốc
* DN cho rằng họ cũng đóng quỹ hỗ trợ XKLĐ và trong tình huống này, họ cũng phải nhận được hỗ trợ từ quỹ?
- Việc hỗ trợ như thế nào thì vẫn đang tính. Trong luật quy định nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Không ai lường trước được tình huống như vậy. Trước mắt, quỹ đã chi hơn 10 tỉ đồng cho NLĐ. Quỹ đã xuất tiền tạm ứng cho các DN. Đó là chưa kể Nhà nước đã phải bỏ ra chi phí khá lớn để đón NLĐ về.
* DN cũng “kêu” là tiền vé máy bay về nước quá cao. Khoản này họ có được hỗ trợ?
- Bộ sẽ đề nghị với Chính phủ, khoản ấy Nhà nước sẽ chi trả hết cho DN. Bởi khoản tiền này quá lớn, có thể có DN phá sản nếu phải chịu toàn bộ khoản này. Còn từ nguồn nào thì sẽ tính sau.
* Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động từ Libya về nước đã tới đâu?
- Hiện có hơn 10 DN đăng ký tuyển dụng tới 16.000 lao động. Tuy nhiên, làm việc ở đâu còn tùy thuộc lựa chọn của NLĐ.
* Cho đến thời điểm này, đã có DN nào đưa được lao động sang các thị trường khác chưa?
- Hiện nay thì chưa. Một trong những khó khăn hiện nay là muốn đi XKLĐ tiếp phải vay ngân hàng. Hầu hết số lao động đi trên một năm đã trả xong, còn số lao động đi được 6 tháng trở lại rất khó khăn. Đặc biệt số này lại rơi vào những người thuộc 62 huyện nghèo.
Sẽ xử lý theo quy định
Trên trang 2 Báo Người Lao Động số ra ngày 18-4 phản ánh chiều 16-4, hàng chục lao động từ Libya trở về kéo đến Trung tâm XKLĐ và Chuyên gia thuộc Công ty Tramanco (đóng trên đường Giáp Bát - Hà Nội) đòi nợ nhưng công ty đóng cửa.
Những lao động này ký hợp đồng sang Libya làm việc thông qua Công ty CP Xây dựng – Nhân lực – Dịch vụ Cavico từ ngày 15-4-2010. Sau khi sang Libya, họ mới biết mình được giao cho Tramanco quản lý và công ty này soạn cam kết với nội dung công ty giữ lại tiền trách nhiệm khoảng 2 tháng lương (từ 400 – 600 USD/người), sẽ hoàn trả trong thời gian 20 ngày kể từ ngày người lao động (NLĐ) hoàn thành hợp đồng về nước. Mặc dù NLĐ không hề ký vào cam kết này nhưng Tramanco vẫn thu giữ khoản tiền trên của họ sau khi Công ty Mesa Mesken ở Libya - nơi NLĐ làm việc - trả lương qua tài khoản của Tramanco…
Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, nếu phát hiện có vi phạm, doanh nghiệp XKLĐ sẽ bị xử lý theo quy định, buộc phải hoàn trả tiền lương chiếm giữ của NLĐ.
D.Quốc |
Bình luận (0)