Trước tình hình số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh, chiều 12-8, Sở Y tế TP HCM tổ chức họp với các cơ sở y tế trên địa bàn về công tác phòng chống dịch.
Cấp bách nâng tỉ lệ tiêm vắc-xin sởi lên 95%
Tại cuộc họp, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trung bình 1 ca sởi lây cho 12 - 18 người, cao hơn rất nhiều so với mức độ lây lan từ 1 người sang 2 - 5 người của bệnh COVID-19. "Bệnh sởi lây dữ dội hơn COVID-19 song một giai đoạn dài không ghi nhận ca bệnh. Thời gian qua, do đứt gãy nguồn cung vắc-xin sau dịch COVID-19 nên tỉ lệ bao phủ miễn dịch chưa đạt, dẫn đến xuất hiện ca bệnh" - BS Châu giải thích.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, bệnh sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa phần tự khỏi, song diễn tiến nặng trên trẻ suy giảm miễn dịch, có bệnh mạn tính. Do đó, cần tập trung kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng bằng cách nâng tỉ lệ bao phủ vắc-xin đạt 95% - tỉ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu với bệnh sởi trong dân cư, tiêm bù cho trẻ chưa tiêm vắc-xin trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. Các cơ sở khám chữa bệnh tránh lây nhiễm chéo; thận trọng theo dõi, sàng lọc ca bệnh mạn tính, tránh ca sởi lọt vào nhóm nguy cơ. Bệnh nhân có dấu hiệu bệnh hô hấp, người thân chăm sóc trẻ mắc bệnh phải đeo khẩu trang.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thông tin sở đã có văn bản trình UBND TP HCM, kiến nghị công bố dịch sởi trên địa bàn, đồng thời triển khai kế hoạch ứng phó. "Trong khi chờ UBND TP HCM ban hành kế hoạch phòng chống dịch sởi, ngành y tế thành phố đã chủ động triển khai ngay các giải pháp. Đặc biệt, giao Thanh tra Sở Y tế chủ động phát hiện các nhóm "anti vắc-xin", làm rõ, xử lý nghiêm việc tuyên truyền sai lệch trong cộng đồng" - bác sĩ Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Chưa kịp tiêm vắc-xin đã mắc bệnh
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), chị Trần Mỹ Xuyên (ngụ tỉnh Tiền Giang) cho biết trước khi nhập viện, 2 con sinh đôi hơn 9 tháng tuổi của chị bị sốt, trong miệng có nốt đỏ. Nghi ngờ bệnh tay chân miệng, chị đưa con đến phòng khám tư nhưng sau 5 ngày, bệnh tình diễn biến nặng hơn, xuất hiện ban tại mặt rồi lan ra các vùng khác. Chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, con của chị được bác sĩ chẩn đoán mắc sởi. "Khi con đủ 9 tháng, tôi đưa đến trạm y tế để tiêm vắc-xin sởi nhưng nhân viên từ chối do các bé đang bị ho, sổ mũi. Chưa kịp đưa con đi tiêm lại thì 2 bé đã mắc bệnh" - chị Xuyên kể.
BS chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết khoa đang điều trị 53 trẻ, trong đó có nhiều trẻ chưa đủ tuổi tiêm vắc-xin. Với số bệnh nhi nặng từ tuyến tỉnh chuyển lên chiếm 2/3 tổng số ca nội trú, bác sĩ Quy lo ngại nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới trong quá trình di chuyển của bệnh nhân. "Năng lực điều trị bệnh sởi ở các bệnh viện tuyến dưới, y tế cơ sở hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, do đó người dân nên đưa con em đến điều trị tại các cơ sở gần nhà để tránh lây nhiễm chéo" - BS Quy khuyến cáo.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) đang điều trị 14 ca bệnh sởi, trong đó có 13 ca từ các tỉnh chuyển đến. Các ca bệnh tập trung ở độ tuổi 1 - 3, hầu hết chưa được tiêm vắc-xin. Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cũng đang điều trị 17 ca sởi, trong đó có 8 ca bệnh nặng cần hỗ trợ hô hấp.
Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM hiện điều trị 18 ca mắc bệnh sởi là người lớn, bên cạnh 30 ca trẻ em. Hầu hết trong đó đều chưa tiêm vắc-xin hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng.
Theo BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), nhiều nước trên thế giới đang ghi nhận số ca bệnh sởi tăng. Tại TP HCM, từ ngày 23-5 đến nay, các bệnh viện ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 346 ca dương tính sởi. Trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2023, cả thành phố chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Đáng chú ý, 73% trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng chưa được tiêm mũi ngừa sởi nào. "Đề nghị các bệnh viện khi ghi nhận các ca sốt phát ban nghi sởi phải báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm. Các trung tâm y tế cần thực hiện giám sát bệnh tại cộng đồng, phát hiện sớm, thông báo cho trạm y tế nếu phát hiện bệnh" - BS Nga lưu ý.
Bệnh bạch hầu trong tầm kiểm soát
Một ngày sau khi tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát), ngày 12-8, tin từ UBND huyện Mường Lát cho biết địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp cách ly, khoanh vùng, truy vết, khống chế dịch. Toàn bộ 780 nhân khẩu thuộc 169 hộ dân tại khu phố Đoàn Kết - nơi khởi phát dịch - đã được cho uống thuốc kháng sinh dự phòng.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết vắc-xin ngừa bạch hầu đã được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Nhờ đó đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng, làm giảm số ca mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983. "Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi còn khó khăn trong việc cung cấp vắc-xin, tạo nên vùng "lõm" tiêm chủng. Tại nơi có tiêm chủng đầy đủ, chỉ ghi nhận ca bệnh rải rác" - ông Đức cho hay.
Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, tình hình bệnh bạch hầu ở nước ta chưa phức tạp, các ổ dịch nhỏ và vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thành dịch quy mô lớn là thấp. Bộ Y tế đề nghị địa phương chỉ cách ly các trường hợp tiếp xúc gần, tránh gây hoang mang, lo lắng và làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng nhận định các ca bệnh bạch hầu được phát hiện mang tính chất lẻ tẻ. Hầu hết trẻ em đều đã được tiêm phòng vắc-xin khi còn nhỏ, chỉ những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ mới có nguy cơ mắc bệnh.
Nêu nguyên nhân dịch bạch hầu vẫn xảy ra hằng năm dù đã có vắc-xin phòng bệnh, một chuyên gia dịch tễ cho biết vắc-xin chỉ ngăn được độc tố của tác nhân gây bệnh, không phải là "vũ khí để thanh toán bệnh". Một lý do lớn khác khiến bệnh chưa được loại trừ là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, còn chủ quan, không tiêm phòng đầy đủ cho bản thân và con em. Đơn cử, tại Nghệ An, tỉ lệ tiêm đủ vắc-xin có thành phần bạch hầu ở xã Phà Đánh (huyện Kỳ Sơn) - nơi ghi nhận ca tử vong vào tháng 7 vừa qua - rất thấp, chỉ đạt 44,3% trong năm 2023 và 6 tháng năm nay đạt 53,1%.
Không thiếu thuốc, vắc-xin
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết hiện không thiếu thuốc kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu. Vắc-xin ngừa sởi và bạch hầu hiện cũng bảo đảm đủ tiêm cho đối tượng có chỉ định và các trường hợp cần tiêm bù, tiêm vét.
Việt Nam vẫn đang triển khai tiêm miễn phí 5 liều vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, lịch tiêm phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Người dân không tự ý tiêm chủng vắc-xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch.
7 địa phương có nguy cơ lây nhiễm sởi rất cao
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức cho biết kết quả đánh giá nguy cơ dịch sởi năm 2024 cho thấy có 7 tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ rất cao, gồm: Hà Tĩnh, TP HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước và Kiên Giang. Bảy địa phương có nguy cơ cao là Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương và Cà Mau.
Bộ Y tế đã có văn bản nhắc nhở các địa phương tăng cường kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi và ho gà. Đồng thời, duy trì tiêm chủng các mũi vắc-xin sởi cho trẻ dưới 1 tuổi đạt tỉ lệ hơn 90% và vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ từ 18 tháng đạt 95%. Tổ chức tiêm bù, tiêm vét khoảng 1,4 triệu liều vắc-xin sởi cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Bình luận (0)