Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng cho biết Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X là một trong 2 kỳ họp lớn trong năm với nội dung, khối lượng công việc rất lớn.
Điểm nhấn của kỳ họp này là ngoài những nội dung thường kỳ được trình tại kỳ họp như: Dự thảo nghị quyết về bổ sung các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm của tỉnh, các nghị quyết về đầu tư công…, kỳ họp sẽ đưa vào xem xét thông qua một số nghị quyết thuộc về chính sách chi cho con người, mang tính nhân văn, ý nghĩa.
Đó là các chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; hỗ trợ tham gia học xóa mù chữ giai đoạn 2021-2025, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục giai đoạn 2021-2030; hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn đến năm 2025 và hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.
Đối với chính sách hỗ trợ giáo viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho hay tỉnh dự kiến sẽ chi khoảng 195 tỉ đồng để hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng như: Giáo viên mầm non, giáo viên tại các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, giáo viên tại các địa bàn và bộ môn khó tuyển dụng nhằm giúp các đối tượng thụ hưởng có điều kiện cải thiện cuộc sống. Mặt khác, góp phần thu hút mới và giữ chân đội ngũ giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục.
Về mức hỗ trợ, tỉnh sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng cho giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập, giáo viên công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật loại hình công lập. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng đối với giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng, giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng. Thời gian hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 195 tỉ đồng.
Hay đối với chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công, hàng năm tỉnh sẽ chi khoảng 17,3 tỉ đồng nhằm mục tiêu chăm lo, thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa.
"Trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng không được dễ dàng, thuận lợi như trước, để có được những chính sách này là sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của tỉnh"- bà Hằng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, để chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân đến với các đối tượng thụ hưởng được kịp thời nhất, HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh, đẩy thời gian tổ chức kỳ họp sớm hơn so với kế hoạch trước đó. Nhờ vậy, sau khi nghị quyết được ban hành, người có công với cách mạng và thân nhân sẽ kịp thời được thụ hưởng chính sách này đúng vào dịp lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 tới đây.
Chi hơn 17 tỉ đồng mỗi năm hỗ trợ người có công
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Đồng Nai đang quản lý trên 57.700 hồ sơ người có công, trong đó có gần 11.000 trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng.
Theo dự thảo nghị quyết, mức quà tặng cho người có công với cách mạng vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, Tết Nguyên đán sẽ được tăng thêm phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Cụ thể, mức 1 triệu đồng dành cho Mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và những cá nhân đã có quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng trước ngày 28-7 hàng năm nhưng chưa hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng...
Mức quà 700.000 đồng dành cho người có công là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng...
Mức 3 triệu đồng dành cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng do các đoàn lãnh đạo của tỉnh tổ chức đi thăm và tặng quà.
Bình luận (0)