"Hồi âm từ phương Nam" là cuốn sách in riêng thứ 15 của GS Huỳnh Như Phương, trong đó có 5 tập tiểu luận phê bình. Tác giả cho biết từ khi được đăng các bài báo đầu tiên vào những năm 1970 -1972, trong đó có cả văn sáng tác và nghị luận, cho đến lúc vào đại học, ông không hề nghĩ rằng mình sẽ làm công việc gọi là phê bình văn học. Nhưng khi ra trường, làm nghề dạy học, việc đọc sách và theo dõi đời sống văn học gợi cảm hứng cho ông viết những bài điểm sách, nhận xét, bình luận về một số hiện tượng văn học cùng thời.
Các bài viết trong cuốn sách đã xuất hiện trên nhiều tạp chí, tuần báo, nhật báo, lưu lại một phần ký ức lịch sử của đời sống văn học từ điểm nhìn của tác giả. Việc tập hợp lại trong tập tiểu luận phê bình này là một nỗ lực để những bài viết đó tiếp tục có đời sống dài hơn, mời gọi thêm những suy nghĩ, đối thoại từ người đương thời. Với người viết, cuốn sách còn là nơi ghi dấu những nghĩa tình đáng quý với đồng nghiệp, văn hữu.
"Hồi âm từ phương Nam" tập hợp và chọn lựa 36 bài viết về thơ, về văn xuôi nghệ thuật và chính luận cùng một số vấn đề chung của văn học - tất cả đều đã được công bố trên các ấn phẩm trong nước khoảng 10 năm nay. Nhan đề sách lấy lại từ lời bạt trong tập truyện ngắn của nhà văn Trần Trường Khánh được dịch sang tiếng Việt, cũng muốn gửi gắm ý nghĩa rằng đây là những lời hồi đáp của một độc giả quan tâm, đang sống và viết ở mảnh đất phương Nam.
Trước nhận xét của độc giả về phong cách phê bình điềm đạm, ân cần và câu hỏi về quan niệm phê bình, tác giả Huỳnh Như Phương cho rằng ông là nhà phê bình theo khuynh hướng xã hội hơn là thi pháp, luôn mang cảm hứng về trách nhiệm công dân. Giữa "biển" tác phẩm mênh mông và nhiều tác phẩm hay, ông chọn viết về những tác giả mà ông cảm thấy hiệp thông được với họ; bên cạnh việc bảo đảm tính khoa học còn là cái tình với nhà văn.
Tác giả cho biết: "Cuốn sách này nằm trong kế hoạch của NXB Đà Nẵng, nơi lần đầu tiên chúng tôi được in sách. Vì vậy, NXB và tác giả đã thống nhất đưa vào các bài viết về một số nhà văn người miền Trung, quê hương sâu nặng kỷ niệm của mình, đặc biệt là những nhà văn nay đã thành người thiên cổ và những nhà văn cao niên, thời gian không còn nhiều để nghe được những tiếng nói tri âm".
Trong phần 1 "Nơi cư trú của tình yêu", cuốn sách có những bài viết về thơ Pablo Neruda, Xuân Tâm, Nguyễn Vỹ, Ngô Kha, Diễm Châu, Tường Linh, Đông Trình, Ý Nhi… Phần 2 "Trong người có ta" dành cho những bài viết về Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Văn Trung, Võ Hồng, Hoàng Ngọc Biên, Cao Huy Thuần, Thanh Thảo, Lê Văn Nghĩa…
GS Huỳnh Như Phương tâm sự với các đồng nghiệp và thân hữu có mặt: "Nếu may mắn có một đời sống dài hơn các bài báo, cuốn sách này vài năm nữa rồi cũng sẽ bị lãng quên. Nhưng cuộc gặp gỡ hôm nay thật sự là một ngày vui của chúng tôi, người lỡ vướng vào nghiệp viết phê bình hơn 40 năm qua, cũng là người tâm nguyện từ nay, sau cuốn sách này, khi tuổi đã cao, sức đọc, sức viết đều hạn chế, sẽ không viết phê bình nữa, mà để dành thời gian trả nợ cho khoa và nhà trường vài công việc về giảng dạy còn dang dở".
Với những người tham dự - gồm các giảng viên và học viên, một số nhà nghiên cứu và sáng tác - buổi giới thiệu sách diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình và giản dị.
Bình luận (0)