Trong chuyến "mở biển" đầu năm mới, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cả nước đã gặp gỡ, động viên tinh thần, tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt tuân thủ pháp luật, bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển, đảo.
Những chuyến tàu chở đầy ước nguyện
Tờ mờ sáng, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, cảng cá ở phường An Thới (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) tấp nập trên bến dưới thuyền. Đây là thời khắc ngư dân chào đón những chiếc tàu chở đầy tôm cá cặp bờ sau chuyến biển đầu năm. "Chuyến biển đầu năm trúng lớn là tín hiệu vui cho một năm đánh bắt suôn sẻ và may mắn. Đời ngư dân chỉ mong ước sóng yên biển lặng, tàu về mang nhiều tôm cá là vui" - ngư dân Nguyễn Văn Sa ở phường An Thới bộc bạch.
Tại Kinh Dài xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang - đổ ra sông Cái Lớn, một trong các cửa biển lớn nhất tỉnh, những ngày này tàu cá dập dìu nối đuôi ra khơi. Cán bộ Đồn Biên phòng Tây Yên đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng khẩn trương giải quyết các thủ tục xuất bến cho ngư dân để họ vươn khơi. Không chỉ tận tình hướng dẫn, kiểm tra các thiết bị an toàn hàng hải, giám sát hành trình, nhật ký khai thác, lực lượng liên ngành còn tranh thủ gặp gỡ, động viên tinh thần các tài công, ngư dân.
"Chúng tôi cố gắng làm hết khả năng, tạo mọi điều kiện tốt nhất, nhanh, gọn nhất để chuyến biển đầu năm của ngư dân thuận lợi, may mắn. Tuy nhiên, phải bảo đảm nghiêm ngặt các quy định trong khai thác, nhất là không vi phạm vùng biển nước ngoài" - thượng tá Bùi Văn Kết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên, nói.
Việc được lãnh đạo tỉnh, sở ngành trao tặng ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc trong chuyến biển đầu năm, với ngư dân, là rất thiêng liêng và ấm lòng. Đây là món quà tinh thần động viên ngư dân trước những chuyến biển đầy sóng gió.
"Đầu năm mới, trước lúc ra khơi được các lực lượng chuyên trách ở trạm Kinh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên quan tâm, hướng dẫn làm thủ tục xuất bến nhanh, gọn, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật, không đánh bắt vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài; tuyệt đối không dùng xung điện, chất nổ, chất độc để đánh bắt…" - ngư dân Chu Thanh Hà, chủ tàu cá ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, cam kết.
Chăm lo, hỗ trợ ngư dân
Tại các tỉnh miền Trung những ngày đầu năm 2024, ngư dân nhiều tỉnh, thành đã vươn khơi bám biển mang theo niềm mong ước một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang. Ngư dân cũng nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong chuyến ra khơi đầu năm.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, thông tin sau Tết Nguyên đán, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã dần quay trở lại tiếp tục công việc đánh bắt. Để động viên tinh thần ngư dân, các ngành chức năng trong tỉnh đã đến thăm hỏi và tổ chức các lễ hội cầu ngư, lễ ra quân đánh bắt đầu năm mới.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định, cho hay nhờ thời tiết thuận lợi, giá cả thủy sản ổn định nên lượng tàu thuyền của ngư dân ra khơi trong dịp Tết Giáp Thìn tăng so với năm trước. Để ngư dân yên tâm đánh bắt dịp Tết, ngành thủy sản tỉnh đã duy trì các trạm trực nhằm kịp thời hỗ trợ, xử lý những tình huống khi các chủ tàu điện báo về bờ. Các cảng cá cũng duy trì lực lượng trực chốt xuyên Tết để theo dõi, hỗ trợ ngư dân.
Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng), trước, trong và sau Tết, ban quản lý luôn phân công bố trí lịch trực, tăng cường lực lượng để hỗ trợ giải quyết thủ tục cho tàu ra, vào bến. Các cơ sở dịch vụ hậu cần trong cảng cũng chủ động chuẩn bị đủ đá lạnh, lương thực thực phẩm, nước, xăng dầu… nhằm đáp ứng nhu cầu, tạo thuận lợi để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, đầu năm 2024, đơn vị đã tham mưu Sở NN-PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương động viên ngư dân khắc phục khó khăn, duy trì vươn khơi bám biển sản xuất. Để nâng tổng sản lượng thủy sản, chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì khai thác vùng biển xa bờ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu nhằm giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao giá trị; khuyến khích ngư dân nắm bắt ngư trường, chuyển đổi nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Chuyến vươn khơi đầu năm mới của ngư dân tỉnh Bình Thuận càng thêm thuận lợi khi vừa qua các chủ tàu tham gia lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã được hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đang triển khai thủ tục hỗ trợ phí thuê bao VMS với mức 2,2 triệu đồng/tàu/năm; thời gian hỗ trợ trong 3 năm, từ tháng 1-2024 đến 12-2026.
C.Tỉnh
Quan tâm sinh kế của ngư dân
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết Việt Nam là một quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế thủy sản. Đến năm 2023, ngành thủy sản đã đạt sản lượng trên 9,2 triệu tấn. Hiện biển của Việt Nam có 1.385 loài thủy sản. Tuy nhiên, do khai thác nhiều nên nguồn lợi thủy sản bị suy giảm mạnh.
Nhằm thực hiện những khuyến nghị của EC trong tiến trình gỡ thẻ vàng, số lượng tàu cá đến cuối năm 2023 giảm còn 83.430 chiếc. Hiện Việt Nam có 83 cảng cá, 56 khu neo đậu tránh trú bão, 7.500 cơ sở nuôi biển.
Theo ông Trần Đình Luân, biến đổi khí hậu đã tác động và thách thức lớn đến sự phát triển của ngành thủy sản. Hiệu quả kinh tế các chuyến đi biển ngày càng giảm, tác động tới đời sống của ngư dân. "Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, chúng ta cần cắt giảm đội tàu khai thác, đặc biệt là các tàu khai thác ven bờ. Nhằm thực hiện việc này, các địa phương cần quan tâm đến sinh kế của ngư dân theo hướng hỗ trợ nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng..." - ông Luân gợi mở.
V.Duẩn
(Còn tiếp)
(*)Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-2
Bình luận (0)