xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rừng nghiến cổ thụ ở Quảng Nam bị "hạ sát"

Bài và ảnh: Trần Thường

Nhiều cây nghiến cổ thụ quý hiếm ở tỉnh Quảng Nam bị cưa hạ nhiều năm nhưng cơ quan chức năng chậm trễ phát hiện

Vừa qua, ông Lê Tấn Can - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam - cho biết đơn vị đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản", xảy ra tại khoảnh 5 Tiểu khu 329, thôn Pà Dá, xã Cà Dy, huyện Nam Giang. Hiện vụ án đã được chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Giang thụ lý theo thẩm quyền.

Rừng bị phá 2-3 năm mới biết

Theo UBND xã Cà Dy, ngày 26-4, lực lượng chức năng xã đã tiến hành tuần tra, phát hiện có dấu hiệu khai thác lâm sản trái phép tại khoảnh 5 Tiểu khu 329, rừng phòng hộ huyện Nam Giang.

Qua kiểm tra tại hiện trường, ghi nhận tại lô 2 khoảnh 5 có 12 cây nghiến bị cưa hạ. Hầu hết cây gỗ bị cưa hạ có đường kính từ 80 cm trở lên, có cây đường kính lên đến 150 cm, các cây gỗ đều có chiều cao hàng chục mét. Trong đó, có 6 cây nghiến bị cưa hạ còn nguyên thân, cành, lá. Một số cây sau khi cưa hạ, lâm tặc lấy hết gỗ đưa đi khỏi hiện trường chỉ còn trơ gốc. Một số cây bị lâm tặc cưa hạ rồi cắt thành lóng, một số lóng đã được tẩu tán, một số lóng vẫn còn ở hiện trường. Theo lực lượng chức năng, những cây nghiến cổ thụ này đã bị khai thác trái phép cách đây 2 đến 3 năm.

UBND xã Cà Dy đã tổ chức lực lượng trực bảo vệ hiện trường để ngăn chặn các đối tượng tiếp tục vào khai thác trái phép, làm thay đổi hiện trạng. Chủ tịch UBND xã Cà Dy Nguyễn Văn Phi cũng đã chỉ đạo trưởng Công an xã Cà Dy áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức mở rộng điều tra, thu thập chứng cứ, rà soát các đối tượng khả nghi để có cơ sở báo cáo lên cấp trên khởi tố vụ án.

Ngày 31-5, sau khi tiếp nhận thông tin vụ phá rừng, UBND huyện Nam Giang đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang phối hợp UBND xã Cà Dy tổ chức kiểm tra. Kết quả, xác định có đến 14 cây nghiến (xã Cà Dy báo cáo có 12 cây) bị cưa hạ với khối lượng lên tới hơn 90 m3. Nghiến là loại gỗ thuộc nhóm IIA (danh mục nguy cấp, quý, hiếm), cưa hạ từ 5 m3 gỗ trở lên đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này, khối lượng gỗ bị cưa hạ lên tới hơn 90 m3, cho thấy mức độ rừng bị phá hết sức nghiêm trọng. Điều đáng xót xa, những cây nghiến quý hiếm bị cưa hạ đều là những cổ thụ, cả 100 năm tuổi.

Gỗ nghiến tại Tiểu khu 329, rừng phòng hộ huyện Nam Giang bị cưa hạ

Gỗ nghiến tại Tiểu khu 329, rừng phòng hộ huyện Nam Giang bị cưa hạ

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi được hỏi vì sao để rừng bị phá trong thời gian dài mà lực lượng kiểm lâm không phát hiện, ông Lê Tấn Can cho hay ông mới được luân chuyển về làm hạt trưởng hơn 6 tháng nên không nắm. Ông Can nói chờ công an điều tra, kết luận mới xác định trách nhiệm của những người có liên quan.

Ông Nguyễn Văn Phi cho biết khu vực rừng bị phá trước đây thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Giang. Đến tháng 5-2023, rừng được đưa về UBND xã quản lý và được giao cho cộng đồng thôn Pà Dá quản lý, bảo vệ theo Nghị quyết 120 của Quốc hội. Ông Phi cũng cho hay mới về nhận nhiệm vụ tại địa phương từ tháng 5-2023, cùng thời điểm rừng được giao về cho xã. Ông thừa nhận có thiếu sót khi tiếp nhận bàn giao rừng mà không kiểm tra, phát hiện rừng bị phá. Tuy nhiên, ông cho rằng xã quản lý diện tích rừng rộng với hơn 10.400 ha, trong đó phần lớn nằm ở thôn Pà Dá với hơn 6.000 ha, địa hình đi lại khó khăn, đi bộ cả ngày đường mới đến nơi, trong khi lực lượng mỏng nên chưa kịp thời phát hiện.

"Khi phát hiện rừng bị phá thì xã báo cấp trên để điều tra chứ không có giấu giếm. Bây giờ chờ công an điều tra, kết luận cụ thể rừng bị phá thời điểm nào, ai quản lý, trách nhiệm thuộc về ai. Điều quan trọng nhất là từ nay đừng để xảy ra phá rừng nữa" - ông Phi nói và cho biết từ khi tiếp nhận quản lý, địa phương đã củng cố lại lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, thành lập 7 chốt bảo vệ, nhờ đó rừng đã được quản lý một cách chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra. Quan điểm của huyện là phải quyết liệt điều tra, tìm ra thủ phạm để xử lý, răn đe trước pháp luật. 

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, tháng 1-2024, Hạt Kiểm lâm, VKSND và Công an huyện Nam Giang cũng đã phối hợp khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng nghiến tại khoảnh 3, 4, Tiểu khu 329 tại xã Cà Dy. Kết quả, có 4 cây nghiến cổ thụ với đường kính từ 70 cm đến 195 cm bị lâm tặc cưa hạ. Căn cứ vào nhựa của gốc bị cưa hạ và bụi cây, dây leo xung quanh gốc, các ngành chức năng nhận định 4 cây nghiến trên khai thác cùng thời điểm, thời gian khai thác khoảng tháng 9, tháng 10-2023.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo