Ở bản làng chúng tôi thường đón hai cái Tết, người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở Quảng Trị thường đón hai cái Tết: Tết Mừng lúa mới (tiếng Vân Kiều gọi là A za) - Tết cổ truyền của dân tộc mình, diễn ra vào cuối tháng 11 âm lịch và Tết Nguyên đán – Tết chung cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vào cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng.
Mâm cỗ cúng Tết Mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều ở Quảng Trị
Nơi bếp lửa nhà sàn
Dù còn nhiều nghèo khó nhưng với người Vân Kiều chúng tôi, Tết Nguyên đán, Tết Mừng lúa mới vẫn vui như ngày hội. Ở đó, trong những gian bếp nhà sàn là tình yêu thương của người mẹ.
Khác với nhiều dân tộc khác, bếp của đồng bào dân tộc Vân Kiều được đặt giữa căn nhà sàn. Khi cất nhà, lát sàn bằng tre nứa hoặc gỗ rừng, giữa căn nhà để dành một khung với kích thước 1,5 x 2m, đó là nơi đặt bếp. Mùa đông ở núi rừng Trường Sơn thường lạnh, bếp là nơi sưởi ấm cho gia đình. Bếp còn là nơi xua đuổi côn trùng, chúng tôi có thể ngủ ngon lành mà không bị muỗi đốt. Đó cũng là nơi ghi những kỷ niệm của gia đình, nhất là bố và mẹ tôi.
Gian bếp là nơi lưu giữ yêu thương của gia đình
Bố tôi kể rằng, hồi bố lấy mẹ về, căn nhà còn nhỏ lắm, bếp cũng nhỏ. Nhà đặt một vài vật dụng thiết yếu cho gia đình như cái nồi, ấm nước và đôi bát đũa. Chỉ bấy nhiêu mà gầy dựng nên một gia đình. Bố bảo rằng, trong mỗi sáng sớm, bố nhìn mẹ nhóm củi nấu củ mì, đun nước, nấu rau rừng… mà lòng đắm say kỳ lạ. Mỗi đêm, dưới ánh lửa hồng, đôi mắt mẹ rất đẹp, đó là mùa xuân của bố…
Mẹ tôi bảo bếp là nơi ghi dấu ấn của người đàn bà. Với bếp, người đàn bà thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc. Chủ yếu là tình yêu thương với chồng con, với gia đình. Gian bếp là không gian gia đình, là văn hóa khi sản sinh ra những món ẩm thực.
Gian bếp đơn sơ của người Vân Kiều
Người Vân Kiều nổi tiếng bởi món cà lèng cá, món ăn được làm bằng ruột cá mát, một loại cá sống ở vùng nước sạch, chỉ ăn rong rêu. Ruột cá mát sau khi lọc thì trộn muối, bỏ vào hũ và treo lên bếp. Dưới hơi nóng của lửa nó chín dần. Con cá mát được nướng qua rồi cũng treo lên bếp. Sau thời gian ruột cá chín (tầm hai tuần) được pha chế với gia vị, nó có vị ngọt đắng, thơm nức quẹt với cá mát khô từ bếp là món ăn nức tiếng cả một vùng.
Những ký ức yêu thương trong mỗi gia đình đều bắt nguồn từ mỗi bữa ăn, mà bếp là cội nguồn. Ký ức ấy theo hành trang đời mình, đi rồi trở về. Cứ mỗi khi đi nhớ tới quay quắt, lúc trở về xúm xít bên nhau. Lửa yêu thương được nhen nhóm từng ngày, bên bếp lửa gia đình, có bố mẹ và có các em…
Món ăn nghèo khó
Dễ có đến ngàn năm thì bếp lửa vẫn là ký ức đẹp của rất nhiều người. Nó được kể cho nhau nghe, về những tối mùa đông, những ngày mùa hạ. Dù nóng quay quắt hay ấm áp đến mềm lòng thì bếp vẫn là nơi lưu giữ nhiều kí ức đẹp, nhất là những ngày Tết.
Bếp lửa nhen nhóm tình yêu thương của mỗi gia đình Vân Kiều
Mẹ tôi thường mặc váy đẹp, mẹ lấy chiếc khăn vấn tóc cho gọn gàng rồi mới bắt tay làm những món ngon. Tôi thường lấy nước giúp mẹ. Những bình nước được lấy từ suối vào những ngày ba mươi Tết. Đó là ngày lấy nước tốt nhất vì mọi người đều lấy nước làm cỗ cúng. Tết Mừng lúa mới cũng thế, đồng bào tôi chọn ngày cuối tháng để lấy nước sông, vì thế không ai tắm giặt hoặc thả gia súc vào con suối để giữ cho nước sông được trong lành.
Mẹ tôi thường làm một con gà, vò xôi để làm lễ chính. Món tôi ưa thích không nằm ở cỗ cúng này. Tôi thích nhất món cháo tà lục tà lào. Đấy là món ăn được nấu tổng hợp từ gạo trên nương, măng rừng, cá suối… Mẹ bảo đó là một trong những món ăn truyền thống của dân tộc tôi, món ăn nghèo khó từ săn - bắt - hái - lượm. Suốt ngày người phụ nữ lang thang trên nương rẫy, người đàn ông đi khắp sông suối có được thức gì thì mang về nấu cháo.
Rất nhiều gia đình Vân Kiều ở bản làng giữa núi rừng Trường Sơn vượt qua chiến tranh, vượt qua nghèo khó cũng nhờ món tà lục tà lào. Bởi thế, bố còn bảo đây là món ăn có tính chất lịch sử đối với dân tộc chúng tôi, là không gian văn hóa được lưu giữ. Ngày xưa, tà lụt tà lào là món ăn của người nghèo khó, nay nó trở thành đặc sản ẩm thực thu hút du khách thập phương.
Bản làng Vân Kiều vào xuân
Cứ mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc mình hay đón Tết Nguyên đán, mẹ vẫn nấu món "Tà lụt Tà lào". Tôi hiểu ẩn ý sâu xa trong món ăn của mẹ, về giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc vừa nhắc chúng tôi không được quên đi những ngày nghèo khó và nghị lực của cả dân tộc khi vượt lên hoàn cảnh...
Tôi rời xa bản làng vài chục ngày là nhớ quay nhớ quắt, bởi vậy tôi cứ đi rồi lại trở về. Cứ lang thang đô thị mà thèm cảm giác bên bếp lửa ở ngôi nhà sàn.
Và với tôi, mẹ chính là bếp lửa yêu thương. Có mẹ, là có tất cả những mùa xuân…
Bình luận (0)