Tác giả Hoàng Hữu Đản:
Lịch sử luôn là bài học
Ông năm nay 86 tuổi, là thầy giáo dạy các môn văn, sử, địa và Pháp văn trong nhiều năm. Kịch bản Bí mật vườn Lệ Chi được ông viết, gửi dự thi và đoạt giải duy nhất trong cuộc thi sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức năm 1981, ngay sau sự kiện Nguyễn Trãi được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Vở được Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc dựng thử lần đầu tiên với sự tham gia của con gái ông, diễn viên Tố Như. Năm 1992, ông cho xuất bản và năm 1993, được Đài TNND TPHCM dựng kịch truyền thanh. Trong kháng chiến, ông vừa dạy học vừa viết truyện ngắn, thỉnh thoảng viết kịch phong trào và Bí mật vườn Lệ Chi là vở kịch dài đầu tiên được dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp. Về sự cố “án treo” của vở vừa qua, theo ông, là do một số người chưa nghiên cứu kỹ lịch sử và chưa tiếp cận đủ để hiểu hết ý vở kịch. Viết kịch lịch sử là để rút ra những bài học. Dầu vậy, việc đứa con tinh thần của mình “sống lại” đã làm ông xúc động. Ông tỏ ra rất hài lòng với vở diễn, nhất là sự đồng đều, chắc tay và sống hết mình với nhân vật của ê kíp diễn viên.
Trong đêm diễn lại, 10-5, chứng kiến nét mặt chăm chú như nuốt từng lời của khán giả và không khí trang nghiêm như thánh đường, ông đã ứa nước mắt. Vì vậy, khi vở vừa kết thúc, ông và vợ mang hoa lên sân khấu, chưa nói hết câu cảm ơn, ông đã ôm chầm lấy nghệ sĩ Hữu Châu và òa khóc. Khán giả đứng hết cả dậy, vừa vỗ tay vừa quệt nước mắt. Người ta dường như cảm thấy rất thấm những câu thoại trong kịch của ông, sâu sắc, mạnh mẽ nhưng không thiếu chất lãng mạn. Lấy ý từ bài thơ Tùng của Nguyễn Trãi, Hoàng Hữu Đản đã sáng tác thêm những lời thật trữ tình như: “Tùng và phong lan - kiên cường bên yểu điệu /Tùng và phong lan - nắng sớm gọi chiều sương/Tùng và phong lan - thanh gươm và tiếng hát/Tùng và phong lan - sự nghiệp với tình thương”.
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc:
Hạnh phúc là làm được cho người khác hạnh phúc
Sau thành công rực rỡ với vở kịch thử nghiệm theo thể loại veau de ville (ca nhạc kịch) Tin ở hoa hồng, NSƯT Thành Lộc, lần nữa, đã làm cho nhiều người “tâm phục khẩu phục” về khả năng đạo diễn của mình với vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi. Hai vở, hai phong cách hoàn toàn khác nhau, một bên là “vút cao” sự sôi động, bay bổng, hài hước và một bên là tận cùng của sự lắng đọng, ngẫm suy. Mấy ngày qua, dù rất mệt vì vừa quán xuyến vở với tư cách đạo diễn, vừa phải tập trung diễn tốt vai thái giám Tạ Thanh, song gương mặt anh lúc nào cũng ngời ngời hạnh phúc. Nhất là khi chứng kiến sự xúc động đầy nước mắt của tác giả Hoàng Hữu Đản. Vậy là nỗ lực để đứa con tinh thần chung được sống lại của mọi người đã thành hiện thực. Làm cho người khác hạnh phúc mình cũng thấy hạnh phúc - anh nói. Các diễn viên của anh, Hữu Châu, Thanh Thủy, sau 5 năm, nhân vật của họ đằm thắm hơn. Vào khuya ngày vở trở lại, anh bất ngờ khi nhận được điện thoại của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Với giọng nói nghẹn ngào như đang thổn thức, Sĩ Hoàng cho biết đêm diễn đã làm anh không sao ngủ được bởi đã lâu lắm rồi anh mới lại nhìn thấy được cái đẹp từ những nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ. Riêng Thành Lộc, ngoài niềm vui trên, anh còn hài lòng vì trong vở mình đã nói lên được sự dằn vặt của kẻ làm ác. Biết mình làm ác và nhìn nhận “đẳng cấp” hơn hẳn của đối phương nhưng vì lợi riêng nên họ đã không thể làm khác. Theo anh, đó chính là tính hiện đại của vở.
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu:
Tôi chỉ cầu mong có sức khỏe
Trước đây 6 tháng, khi nghe tin vở được cho phép diễn lại, hỏi Hữu Châu, anh cẩn trọng trả lời: “Tôi chưa dám mừng. Khi nào vở thật sự ra mắt khán giả, lúc đó mới chắc chắn mừng”. Và có lẽ, không ai hạnh phúc bằng anh khi được “gặp” lại Nguyễn Trãi nên trong buổi phúc khảo, anh đã căng thẳng đến mức bị hạ đường huyết và ngay sau đó phải vào bệnh viện chích một mũi thuốc “khỏe” và truyền hai chai nước biển. Anh cho biết, vì quá vui nên cứ nghĩ sức mình vẫn còn như xưa, thoại một hơi đến mấy chục chữ không ngắt khiến ôxy không kịp lên não. Sau lần suýt xỉu đó, anh đã đến đền thờ Nguyễn Trãi trên đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1) thắp nhang khấn vái xin quan gián nghị đại phu phù hộ cho mình đủ sức khỏe để thể hiện hình tượng ông. Bí mật vườn Lệ Chi hiện đang sốt vé nên hầu như đêm nào anh cũng diễn. Ngoài chuyện căng thẳng vì tập trung suy nghĩ, anh còn bị hai cọng kẽm làm râu đeo hành nhức đầu suốt nhiều giờ đồng hồ, và còn nỗi lo hai chân không vững khi đi trên đôi giày kiểu xưa rất khó mang. Dẫu vậy, Hữu Châu thấy vô cùng hạnh phúc vì theo anh, “khán giả bây giờ xem kịch tốt hơn xưa”.
Bình luận (0)