Trên những dòng sông từ thành thị đến vùng nông thôn ở Cà Mau nói riêng và nhiều địa phương tại vùng ĐBSCL nói chung, nhiều loại rác thải sinh hoạt như túi ni-lông, thùng xốp, chai nhựa… trôi lềnh bềnh theo dòng nước. Để thu gom được hết những loại rác này, các địa phương phải mất rất nhiều nhân công, thời gian, kinh phí…
Trước thực trạng trên, Quách Bình Phước, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, đã nảy ra ý tưởng sáng tạo robot thu gom rác tự động trên sông với mong muốn cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường bằng sản phẩm sáng tạo của mình. Phước cùng các cộng sự tiến hành thiết kế, tìm nguyên vật liệu phù hợp rồi bắt tay hiện thực hóa ý tưởng.
Phước cho biết nhóm mất khoảng 5 tháng để biến ý tưởng trên thành hiện thực và đã thử nghiệm thành công. Sau khi khởi động, camera nhận diện bằng AI của robot sẽ xác định mục tiêu rồi di chuyển đến vị trí có rác thải để gom lên băng chuyền đưa vào ngăn chứa. Trong quá trình triển khai, nhóm đã trải qua nhiều lần thất bại nhưng được sự hỗ trợ của nhà trường và nỗ lực của các thành viên, nhóm đã thực hiện thành công ý tưởng.
Vừa qua, dự án robot vớt rác tự động trên sông này đã đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2024, chủ đề "Khởi nghiệp xanh - Xu hướng phát triển bền vững". Nói về những dự định trong tương lai, Phước cho hay sẽ cùng các cộng sự trang bị thêm định vị GPS, nâng cấp lập trình để robot tự động xuất bến theo mốc thời gian nhất định trong ngày đi thu gom rác rồi quay trở về. Đồng thời, nhóm cũng đổi mới lập trình và cải tiến một số bộ phận để robot có thể giúp nông dân thu hoạch nông sản…
Cô Châu Thị Hồng Thơ, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, cho biết Đoàn trường dự định trong thời gian tới sẽ phối hợp cùng một số địa phương trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; đồng thời đưa robot do nhóm Phước sáng tạo đi vớt rác trên một số tuyến sông rồi đổi rác thải này để lấy tiền mua cây xanh trồng tại những nơi thực hiện. "Qua đó, ngoài làm đẹp những cung đường quê hương, đơn vị còn muốn tạo bầu không khí trong lành cho người dân sống xung quanh" - cô Thơ bày tỏ.
Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, đánh giá dự án robot vớt rác tự động trên sông là một trong những mô hình hay, sáng tạo và có ích đối với môi trường. Sau cuộc thi, tỉnh Cà Mau sẽ có chính sách hỗ trợ các dự án đoạt giải nói chung và của Quách Bình Phước nói riêng nhằm tạo điều kiện cho tác giả tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường.
"Ý tưởng trên có thể thực hiện và nhân rộng là vì các em đã chạy thử nghiệm thành công. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ tác giả tham gia các sự kiện quảng bá sản phẩm robot vớt rác tự động trên sông đến những doanh nghiệp về môi trường" - ông Tuấn hứa.
Bình luận (0)