Đường phố duy nhất vẫn khô ráo ở Karachi chính là nơi đã được bà Yasmeen Lari cải tạo trước đó.
Bà Lari, hiện ngoài 80 tuổi và là nữ kiến trúc sư đầu tiên của Pakistan, đã tìm ra nhiều cách sáng tạo, ít tốn kém để chống chọi lũ lụt đô thị. Một trong số đó là biến đường phố Karachi thành… bọt biển, bằng cách tận dụng đất nung - một loại vật liệu gắn liền với nghề thủ công truyền thống của Pakistan.
"Tôi ngạc nhiên vì đất nung chưa được sử dụng rộng rãi hơn, bởi đây là vật liệu tuyệt vời. Nó có độ thấm nước và còn giúp làm mát không khí, chống chọi hiện tượng đảo nhiệt đô thị" - bà Lari nói với đài Deutsche Welle (DW - Đức). Theo bà, đô thị rất phức tạp nên rất khó cải tạo toàn bộ khu vực, thay vào đó có thể thực hiện ở những khu dân cư nhỏ lẻ.
Với cách tiếp cận như vậy, bà Lari đã thay thế mặt đường nhựa không thấm nước của phố Karachi bằng gạch đất nung, lắp đặt giếng thoát nước mưa và trồng cây bản địa. Bà cho biết công trình của mình đã giúp làm giảm nhiệt độ đường phố tới 10 độ C.

Con đường thấm nước ở Karachi - Pakistan sử dụng gạch đất nung thay vì bê-tông để hút lượng nước mưa dư thừa Ảnh: HERITAGE FOUNDATION OF PAKISTAN
Theo nghiên cứu mới của WaterAid - một tổ chức phi chính phủ, tập trung vào nước sạch và vệ sinh - các khu vực đô thị, nơi sinh sống của hơn 4 tỉ người, nóng lên nhanh hơn so với nông thôn và đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa liên quan đến nước. Nghiên cứu này xem xét hơn 100 thành phố lớn, nơi các mô hình khí hậu đã thay đổi đáng kể và đầy bất ngờ trong 4 thập kỷ qua, khiến cơ sở hạ tầng trở nên "lạc lõng" với tình thế hiện tại.
Bà Katherine Nightingale, giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế của WaterAid, nói với DW rằng các thành phố như Cairo (Ai Cập), Madrid (Tây Ban Nha), Hồng Kông (Trung Quốc)... trước đây thường bị lũ lụt giờ lại chật vật vì hạn hán. Ngược lại, các thành phố vốn khô hạn ở Ấn Độ, Colombia, Nigeria và Pakistan lại có nguy cơ lũ lụt nhiều hơn. Nhiều thành phố ở Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Đông Phi lại đối mặt lượng mưa tăng cao lẫn hạn hán trong cùng một năm.
"Đây là thách thức cực kỳ khó xử lý. Hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước trong khi lũ lụt phá hủy hệ thống vệ sinh và làm ô nhiễm nguồn nước uống" - bà Nightingale giải thích.
Một trong số các quốc gia đang phải vật lộn với hạn hán là Zambia, nằm ở miền Nam châu Phi. WaterAid đã hỗ trợ cư dân tại Sylvia Masebo, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở thủ đô Lusaka, bằng cách lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời để tạo ra điện, bơm nước vào các bể chứa. Dự án này giúp cộng đồng vẫn có đủ nước sạch để dùng trong đợt hạn hán tiếp theo. Với ưu điểm dễ nhân rộng, đặc biệt là ở nông thôn, mô hình này đã được WaterAid đưa đến nhiều trường học, cộng đồng và cơ sở y tế khắp Zambia.
Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp này trên quy mô lớn đòi hỏi nguồn tài trợ tương xứng. "Các giải pháp vừa nêu đã có sẵn và rất đơn giản, cần sự nỗ lực và cam kết thực hiện" - bà Nightingale nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các kế hoạch diện rộng và đầu tư từ chính phủ để ưu tiên đối với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
Bình luận (0)