Bên hông Nhà Thiếu nhi quận 3 (TP HCM), trên đường Nguyễn Đình Chiểu, hai cụ bà dáng người gầy gò, nhỏ bé, đang sắp xếp lại từng tờ báo trên sạp. Họ là N.T.Lan (74 tuổi) và N.T.Hương (72 tuổi), 2 chị em ruột. Cuộc sống mưu sinh của hai người gắn liền với sạp báo giấy đã được hơn 50 năm.
Thời cả ngàn tờ mỗi ngày
Theo lời kể của bà Lan, sạp báo giấy từng có một thời huy hoàng, giờ đây chỉ còn là "vang bóng".
50 năm trước, gia đình bà Lan bày bán sách, báo in và tạp chí rất đắt khách. Cửa tiệm khi đó rộng hơn bốn thước vuông. Việc buôn bán không chỉ được khách hàng ủng hộ mà còn được địa phương khuyến khích nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục.
"Hồi đó chỉ mấy đại lý thôi, bên bưu điện phát về cả ngàn tờ để ký lãnh. Tôi đi lên bưu điện nhận báo, sau đó đi phân phối cho các cơ quan thông tin, văn hóa phường, rồi đến các nhà dân trên khắp thành phố. Hồi đó ngồi trên xe đạp mà báo phải chất cao lên đến cả đầu" - bà Hương nhớ lại
Qua thời huy hoàng, bà Lan và Hương nhớ đến cột mốc năm 1995 - lúc cửa tiệm gia đình phải đứng trước cảnh khốn đốn của thời cuộc. Khi ấy, gia đình nhận được lệnh phải tháo dỡ sạp báo cấp kỳ..
"Cả gia đình tôi sống chủ yếu nhờ vào sạp báo này. Khi bắt phải dọn đi, tôi chỉ sợ nhà mình chết đói thôi. Lúc đó, trưa hôm thứ sáu, chúng tôi nhận được giấy phải dẹp bỏ cửa tiệm nhanh chóng, thứ hai sẽ có người đến kiểm tra. Trước một hôm, tôi mới đi lấy cả xe sách về, giờ tháo cửa tiệm rồi lại không biết phải đưa về đâu, nhà xuất bản cũng không cho trả lại... Nhớ lại hồi đó, tôi chỉ biết khóc rồi nhanh chóng thu dọn để cho kịp thứ hai có người đến kiểm tra" - bà Lan nói.
Qua thăng trầm, sạp báo ngày ấy giờ chỉ còn là chiếc xe đẩy rong ruổi trên những con đường và lựa chọn điểm dừng chân cạnh Nhà Thiếu nhi quận 3. Sạp báo vỉa hè lặng lẽ ở một góc phố như thể đang chờ mọi người đưa chính mình vào quên lãng.
Sạp báo truyền qua nhiều thế hệ
Chúng tôi nhìn chiếc xe đẩy, tên những tờ báo quen thuộc vẫn hiện diện đó, nhưng số lượng không nhiều. Bên cạnh việc bán sách, báo, tạp chí, bà Lan và bà Hương bán thêm một số đồ dùng khác như nước ngọt, búi bi, thẻ cào điện thoại… Bà Lan nói: "Hồi xưa bán sách báo thôi, nay phải thêm vào mấy thứ linh tinh".
Bà Hương cho biết lượng báo bán ra mỗi ngày chỉ vài tờ. Theo đó, số lượng báo và tạp chí nhập về cũng phải được hai chị em "lường" trước. Khách ủng hộ đa phần là khách quen, một số khách hàng đã mua báo tại đây từ 10-20 năm. Ngoài ra, những người biết đến sạp báo vỉa hè qua lời giới thiệu cũng tìm mua như một cách giúp đỡ cho hoàn cảnh của hai người già cả.
Không chỉ về thu nhập, việc gắn bó với nghề bán báo vỉa hè đã gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của hai chị em. Bà Lan kể ngày xưa hai người còn tự đi lấy báo được, nhưng giờ phải nhờ qua người khác. Vì lý do sức khỏe nên chị em bà không thể ngồi bán lâu dài mà phải thay phiên nhau, buổi chiều còn phải dọn hàng về sớm.
Với hai chị em, nghề bán báo hơn 50 năm cùng các công việc nhập báo, sắp xếp, lồng vào bao,… đã khiến bản thân trở nên yêu thích việc đọc. Sạp báo là nơi mang lại thu nhập cho gia đình, vừa mang đến cho hai người cơ hội đọc nhiều, biết nhiều hơn. Cứ như thế, cuộc mưu sinh gắn với chiếc xe bán báo vỉa hè tiếp tục trải qua thăng trầm hơn nửa đời người.
Không chỉ là nơi lưu giữ kỉ niệm của hai chị em, sạp báo vỉa hè này còn kết nối nhiều thế hệ khách hàng. Bà Hương cho hay bao nhiêu thế hệ cũng về với sạp báo này, ông bà kể cho con cháu, rồi những cậu bé, cô bé ngày đó nay đã lớn, lại tiếp tục đưa con của họ về đây.
Một ngày của hai chị em bà Lan và bà Hương bắt đầu với những trang báo thoảng thơm mùi mực và cũng kết thúc với những tờ báo còn sót lại. Hơn 50 năm gắn bó cùng nghề bán báo, hai chị em đã dành trọn tình cảm cho văn hóa đọc, trở thành nỗi niềm gắn kết những kỷ niệm của thời gian.
Clip: Sạp báo tuổi đời hơn 50 năm bên hông Nhà Thiếu nhi quận 3, TP HCM
Bình luận (0)