Ngày 25-6, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP HCM.
Số lượng sắp xếp lớn
Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Nguyễn Thị Kim Thúy nhìn nhận việc sắp xếp giúp tinh gọn bộ máy, phát huy tiềm năng của các địa phương. Tuy nhiên, do số lượng sắp xếp lớn nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là với đặc thù quận, huyện, phường, xã của TP HCM diện tích nhỏ nhưng dân đông.
Theo bà Thúy, việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội nhằm phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ cũng như phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân trên địa bàn thành phố.
Với mục đích, ý nghĩa đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM đề nghị đại biểu tập trung vào nhiều nội dung trọng tâm. Cụ thể như phương án sắp xếp các phường; những yếu tố đặc thù để thành phố áp dụng trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; phương án sắp xếp công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp...
Thông tin tại đây, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho hay số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn bắt buộc thực hiện sắp xếp rất lớn.
TP HCM là thành phố trực thuộc trung ương, đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế của đất nước. Để bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, không gây xáo trộn lớn trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố đã vận dụng 7 yếu tố đặc thù. Do đó, đến năm 2030, TP HCM không có đơn vị cấp huyện phải sắp xếp mà thực hiện sắp xếp 80 phường thuộc địa bàn 10 quận để hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường sau sắp xếp.
Cần cán bộ làm việc hiệu quả
Phản biện tại hội nghị, bà Phạm Thị Bích (ngụ khu phố 3, phường 1, quận 6) đánh giá sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Cử tri trong khu phố 3 đồng thuận 100% với mong muốn sau sắp xếp bộ máy nhà nước được tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cử tri cũng băn khoăn sáp nhập khiến quy mô dân số tăng lên, công việc nhiều, việc tiếp dân cùng xử lý thủ tục hành chính sẽ khó và lâu hơn.
"Mặc dù TP HCM áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc làm thủ tục hành chính nhưng người dân không phải ai cũng rành công nghệ. Nên sắp tới khi sắp xếp, cử tri rất lo lắng dân càng đông, cán bộ, công chức ít hơn khiến công việc trì trệ, dân phải đợi chờ" - bà Bích nói.
Đồng tình, bà Nguyễn Thị Hồng Duyên (ngụ phường 7, quận 5) kiến nghị nên có chính sách khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, công chức.
Ông Lâm Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 11, đề nghị đánh giá tác động các vấn đề liên quan sẽ phát sinh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân như hộ tịch, pháp lý các giấy tờ nhà đất... Trong khi đó, theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cần công khai, minh bạch, công bằng khi sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Cũng theo bà Nhung, ngoài phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ theo mật độ dân số thì nên tính toán dân số tăng cơ học hằng năm để xem liệu có gây áp lực cho đội ngũ cán bộ sau khi được bố trí không. Qua đó, có phương án phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc hiệu quả.
Tiếp thu để hoàn thiện hơn
Luật sư Trương Thị Hòa đánh giá dự thảo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP HCM được soạn thảo trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật. Bà Hòa kiến nghị Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức các đoàn khảo sát hiện trạng những đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sắp xếp. Đồng thời cung cấp cho báo chí để thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phản hồi các vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm khẳng định phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP HCM phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu sắp xếp, tổ chức, tăng quy mô đơn vị hành chính; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Tuy nhiên, theo bà Thắm, thời gian đầu chắc chắn khó tránh khỏi xáo trộn, cán bộ, công chức sẽ có tâm tư. Vì thế, khi xây dựng dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố có xây dựng phương án sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp cũng như phương án sắp xếp trụ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch, tránh lãng phí.
Lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu tại hội nghị để hoàn hiện dự thảo.
Phát triển hạ tầng khu vực ngoại thành
Liên quan đến Đề án "Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM" giai đoạn 2021 - 2030, mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã chuyển Sở Nội vụ kế hoạch Đề án "Định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP HCM". Đây là đề án nhánh thuộc Đề án "Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM".
Sở Quy hoạch và Kiến trúc nhìn nhận hiện nay, tình trạng tách thửa và chuyển đổi đất nông nghiệp tự phát lan rộng, thiếu kiểm soát dẫn đến quan ngại về xu hướng hình thành các khu đô thị có hạ tầng yếu kém. Vì thế, bên cạnh kiểm soát kết hợp hình thành đường bao dựa vào thực trạng ranh giới phát triển, một trong những nội dung mà sở này đề xuất là chỉnh trang khu vực phát triển tự phát... Những khu vực tự phát cần có kế hoạch chỉnh trang và tận dụng quỹ đất kề cận, xen kẹp để bổ sung các chức năng công cộng còn thiếu.
Bình luận (0)