Sáng 5-12, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Khoa Ngoại Tổng hợp-Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), cho hay vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân N.V.P (64 tuổi, ở TP HCM) bị ung thư lưỡi sau 6 tháng tự điều trị tại nhà vết loét ở vùng này.
Ông P. nhập viện trong tình trạng đau đớn ở lưỡi, ăn uống khó khăn. Khai thác bệnh sử, cách đây 6 tháng, bệnh nhân phát hiện có vết loét ở vùng lưỡi phải, gây đau đớn. Ban đầu, ông tự điều trị với thuốc nhưng không thấy cải thiện, vết loét ngày càng lớn và cứng dần, dễ chảy máu, ăn uống rất khó khăn.
Tại bệnh viện, sau thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có u ở thân lưỡi phải, kích thước 4x3cm, nhiễm cứng, lồi lõm không đều, loét và dễ chảy máu, xâm lấn dính vào sàn miệng, khiến việc nuốt và giao tiếp khó khăn.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có hạch di căn dưới hàm phải, kích thước 0,7 cm, mật độ chắc, không đau. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn T4N1M0 và chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ lưỡi, nạo hạch cổ và tái tạo lưỡi bằng vạt cơ có cuống mạch.
Sau 4 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được rút ống và bắt đầu tập nuốt, tập phát âm. Hiện vết mổ đã lành tốt, bệnh nhân đã có thể ăn được sữa và khả năng nói phục hồi được 50%.
BS Tiến cho biết phẫu thuật tái tạo lưỡi bằng vạt cơ có cuống mạch là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự chuyên môn cao và kinh nghiệm của ê kíp phẫu thuật. Đây là một phương pháp mang lại kết quả tích cực, giúp bệnh nhân phục hồi khả năng nói và nuốt, cải thiện chất lượng cuộc sống sau khi cắt bỏ lưỡi. Bệnh viện Nguyễn Trãi đã thực hiện thành công phẫu thuật này, mở ra hy vọng cho các bệnh nhân bị ung thư lưỡi.
Các bác sĩ khuyến cáo dấu hiệu của ung thư lưỡi thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện kết quả điều trị. Những người trên 40 tuổi, đặc biệt là những người có thói quen hút thuốc, uống rượu hay quan hệ tình dục không an toàn, cần thường xuyên tầm soát ung thư lưỡi để phát hiện kịp thời.
Bình luận (0)