Như Báo Người Lao Động đã thông tin, thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước nêu rõ lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%, áp dụng trong 3 tháng thay vì 6 tháng như đề xuất trước đó.
Thông tin này khiến nhiều đại lý xe và người tiêu dùng khá thất vọng bởi hầu hết đều mong chờ lệ phí trước bạ được giảm trong thời gian đủ dài. Một số đại lý ô tô tại TP HCM cho hay khi có thông tin sẽ giảm lệ phí trước bạ, số lượt khách liên hệ mua xe tăng đáng kể nhưng phần lớn đều chờ thời điểm chính thức ưu đãi mới lấy xe. Hiện nay, nhân viên tư vấn không dám xác nhận cụ thể với khách là có được giảm lệ phí trước bạ hay không.
Về phía hãng xe, nhiều ý kiến cho rằng nếu được giảm lệ phí trước bạ với thời gian đủ dài - từ 6 tháng trở lên, người tiêu dùng sẽ có thời gian chuẩn bị kế hoạch tài chính và hãng cũng có thời gian lập kế hoạch phục vụ tốt nhất. Còn nếu chỉ triển khai trong vòng 3 tháng thì quá ngắn, không đủ để chính sách có hiệu lực trên thực tế.
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết các thành viên của VAMA đang gặp khó khăn khi thông tin giảm lệ phí trước bạ hiện chưa rõ ràng, có khả năng gây ra tác dụng ngược khiến sức mua đi xuống. Theo ông Quyết, nên thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước càng sớm càng tốt để "cứu" thị trường, nhất là trong tình huống bên bán đã hứa với khách hàng sẽ giảm lệ phí này. "Thị trường bị dồn nén suốt mấy tháng trời, giờ lại phải chờ tiếp; doanh nghiệp thì xếp xe đầy kho. Cho dù chỉ thực hiện chính sách trong 3 tháng thì cũng cần thực hiện sớm để giải quyết dứt điểm hàng tồn kho cũng như giải quyết những hợp đồng đã ký nhưng chờ lấy xe khi chính thức giảm lệ phí trước bạ" - ông Quyết góp ý.
Đại diện VAMA cho rằng cần có thông tin minh bạch để khách hàng có kế hoạch mua sắm. Những tháng qua, thị trường bị dồn nén nên nếu chính thức thực hiện việc giảm lệ phí này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung do các hãng không chuẩn bị kịp. Với thời gian thực hiện chính sách quá ngắn, sau khi kết thúc, có thể ảnh hưởng đến thị trường ô tô, khiến thị trường rơi vào tình trạng đóng băng trở lại. "Các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tinh thần ứng phó, có thể phải lập lại kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm theo thị trường. Hậu quả là doanh nghiệp ô tô rơi vào tình trạng khó khăn, dòng tiền ách tắc, nhà nước thất thu thuế" - đại diện VAMA lo ngại.
Bình luận (0)