Trong seri "Điểm tin tuần" các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (từ 30-12-2024 đến 5-1-2024), Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết các chuyên gia an ninh mạng mới đây đã phát đi cảnh báo liên quan đến chiến dịch lừa đảo trên nền tảng nhắn tin, gọi điện miễn phí và được mã hóa 2 chiều - Signal.
Theo đó, một xu hướng rõ rệt là nhiều kẻ lừa đảo đang hoạt động từ các "trại lừa đảo" trong khu vực Đông Nam Á, đang chuyển từ Telegram sang Signal làm nền tảng liên lạc lừa đảo chính.
Cách thức lừa đảo quen thuộc bao gồm: các nền tảng đầu tư tài chính giả mạo, lừa đảo tình cảm, và mạo danh người khác; gửi các đường link chứa mã độc để lừa đảo…
Nguyên nhân theo trang Kelacyber, Telegram gần đây đã tạo nên làn sóng phản ứng khi cập nhật chính sách bảo mật mới. Cụ thể, nền tảng nhắn tin này trước đó được biết đến với cách tiếp cận kiểm duyệt không can thiệp nhưng hiện đã có thể chia sẻ số điện thoại và địa chỉ IP của người dùng với cơ quan thực thi pháp luật theo lệnh của tòa án. Điều này gây "bất an" cho các nhóm lừa đảo, hacker vì khả năng bị lộ thông tin cao hơn trước.
Các nhóm hacker như Ghosts of Palestine đã công khai tuyên bố ý định rời khỏi Telegram và tìm kiếm các nền tảng chú trọng hơn đến quyền riêng tư. Al Ahad, nhóm hacker khác đã chuyển sang Signal và hứa đóng kênh Telegram.
Telegram được xem là cứ điểm của tội phạm mạng trên toàn cầu nhưng giờ đây, với những thay đổi chính sách, họ đã dịch chuyển sang nền tảng Discord và Signal, trong đó Signal được tội phạm mạng được dùng nhiều nhất nhờ tính bảo mật.
Theo trang MoonLock, Signal là nền tảng nhắn tin riêng tư, sử dụng mã hóa đầu cuối, có độ bảo mật cao nhất hiện nay. Ngay cả hệ thống của Signal cũng không thể đọc được tin nhắn hoặc nghe cuộc gọi của người dùng. Do đó, tội phạm mạng dần ưa thích để thực hiện các phi vụ lừa đảo.
Ứng dụng này thuộc sở hữu của Signal Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2018 bởi Moxie Marlinspike và người đồng sáng lập WhatsApp, Brian Acton.
Signal bắt đầu phổ biến vào năm 2021 và đang có hơn 40 triệu người dùng.
Signal và Telegram, cả hai đều cung cấp dịch vụ tin nhắn cá nhân, trò chuyện nhóm, cuộc gọi video và cuộc gọi thoại.
Trong đó, Signal không thu thập dữ liệu nào từ người dùng ngoại trừ số điện thoại của người dùng. Ngược lại, Telegram thu thập số điện thoại, danh bạ và địa chỉ IP của họ, do đó có khả năng làm lộ dữ liệu thông tin.
Signal còn cung cấp "tin nhắn tự hủy" cho tất cả các cuộc trò chuyện, tăng cường bảo mật cho người dùng. Trong khi Telegram chỉ cung cấp tính năng đó cho các cuộc trò chuyện bí mật.
Đáng nói, một số tin nhắn và cuộc gọi ở chế độ riêng tư nhưng khả năng có thể bị nghe lén, bao gồm nhân viên Telegram, cơ quan nhà nước... Vì vậy, Telegram không còn là ứng dụng an toàn nhất nên các đối tượng xấu chọn sang ứng dụng khác là Signal.
Bình luận (0)