Singapore là đảo quốc nhỏ có 6 triệu dân với mật độ dân số thuộc hàng cao nhất hành tinh nhưng đã chuyển mình thành trung tâm kinh tế toàn cầu hiện đại. Sự phát triển nhanh chóng khiến lượng nước tiêu thụ của nước này tăng hơn 12 lần so với năm 1965, thời điểm Singapore tách ra khỏi Malaysia.
Vốn không có tài nguyên nước, phải phụ thuộc vào nước nhập khẩu từ Malaysia, người dân Singapore thực sự quý từng giọt nước. Tình hình càng thêm cấp bách khi thỏa thuận mua nước của Malaysia hết hạn vào năm 2061, với triển vọng gia hạn không mấy sáng sủa, thêm vào đó là ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiệt độ trung bình gia tăng - nghiên cứu của chính phủ Singapore.
Theo tờ Times of India, chiến lược "giải khát" của Singapore đã bắt đầu từ ít nhất 40 năm trước, tập trung vào điều mà họ mô tả là 4 "vòi nước quốc gia", bao gồm thu thập nước, tái chế, khử muối và nhập khẩu nước. Việc thu thập nước mưa và làm sạch bằng hàng loạt bước xử lý hóa chất, lọc, khử trùng, sau đó cung cấp cho cư dân được một nhóm nhân viên chính phủ theo dõi hết sức chặt chẽ. Tờ Times of India cho biết khoảng 2/3 diện tích bề mặt của Singapore được phân loại là lưu vực tiêu nước, cộng với 17 hồ chứa trên khắp đảo, nhằm thu thập và trữ nước mưa tối đa. Singapore cũng đi đầu trong lĩnh vực khử muối nước biển để dùng làm nước uống, với 5 nhà máy khử muối đang tạo ra hàng triệu gallon nước sạch mỗi ngày.
Tạo ấn tượng sâu sắc là "vòi nước" thứ ba, tức chương trình tái chế nước thải khổng lồ của Singapore. Đầu tiên, nước thải được lọc bên dưới lòng đất, sau đó được đưa vào hệ thống bơm khổng lồ để đưa lên mặt đất xử lý tiếp. Tại đây, nước được loại bỏ vi khuẩn và virus thông qua hệ thống vi lọc hiện đại rồi được xử lý bằng công nghệ thẩm thấu ngược và khử trùng bằng tia cực tím. Đặc biệt, trong toàn bộ quy trình xử lý nước thải này không hề có sự "nhúng tay" của bất kỳ nguồn nước sạch ở bất kỳ giai đoạn nào.
Việc tận dụng nước thải thay vì đổ ra biển còn giúp Singapore bảo vệ môi trường đại dương. Hầu hết nước thải tái chế được dùng cho công nghiệp, phần còn lại chảy vào các hồ chứa nhân tạo. Được đặt tên là "NEWater" (tạm dịch: Nước mới), nước thải đã qua xử lý hiện cung cấp 40% nhu cầu nước của Singapore và chính phủ đặt mục tiêu nâng con số này lên 60% vào năm 2060. Singapore đã chi gần 7 tỉ USD để nâng cấp các cơ sở xử lý nước của mình.
Bình luận (0)