xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sinh kế bền vững từ rừng luồng

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Việc phủ xanh những cánh rừng nghèo kiệt bằng cây bản địa đã giúp hàng ngàn người dân vùng cao Thanh Hóa có nguồn sinh kế bền vững.


Thanh Hóa là địa phương có diện tích luồng, vầu, giang, nứa (gọi chung là luồng, tre luồng) lớn nhất nước - chiếm tới 50%, khoảng 80.000 ha. Các huyện vùng cao Thanh Hóa như Bá Thước, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa... được xem là "thủ phủ" của luồng, bởi loài cây này nhiều đến nỗi ở đâu cũng thấy.

Thu nhập ổn định quanh năm

Dù luồng được xem là cây "xóa đói, giảm nghèo" nhưng sau hàng chục năm, người dân vùng cao Thanh Hóa gắn bó với loài cây này vẫn chưa hết khó khăn. Ngoài giá thành thấp, nguyên nhân chủ yếu là do người dân địa phương vẫn duy trì cách thức khai thác truyền thống, bất chấp quy định; việc chăm sóc, phục tráng không được quan tâm khiến cây luồng nhiều nơi trở nên cằn cỗi, không đáp ứng được nhu cầu đầu ra.

Người dân vùng cao Thanh Hóa thu hoạch cây luồng

Người dân vùng cao Thanh Hóa thu hoạch cây luồng

Để nâng cao giá trị cây luồng, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, như: hỗ trợ tiền để người dân mua phân bón; chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong thâm canh, khai thác, thu hoạch... Từ đó, nhiều cánh rừng luồng được phục tráng, mang lại giá trị cao.

Gia đình ông Hà Văn Hinh (bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn) nhận quản lý hơn 5 ha rừng, trong đó có 1 ha luồng. Tuy nhiên, do gia đình khai thác theo cách thức cũ, kinh nghiệm chưa có nên cây còi cọc, sản lượng thấp, giá trị không cao. Năm 2016, ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 3 triệu đồng mua phân bón và chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong việc thâm canh, phục tráng cây luồng.

Chứng kiến sự đổi thay rõ rệt từ khi được hỗ trợ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, rừng luồng của gia đình phát triển xanh tốt, giá trị cây nâng lên rõ rệt, đến năm 2018, gia đình ông Hinh trồng thêm 4 ha luồng. Ông còn kết hợp chăn nuôi heo, gà với quyết tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế rừng đồi, lấy cây luồng làm trọng tâm. "Nhờ đó, gia đình tôi thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm, riêng luồng khoảng 50-60 triệu đồng" - ông Hinh hồ hởi.

Gia đình ông Lữ Văn Thêm (bản Chanh, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn) cũng vươn lên thoát nghèo nhờ thay đổi cách trồng rừng. Ngoài việc phục hồi, phát triển 2 ha luồng, gia đình ông còn chăm sóc, bảo vệ 1 ha rừng vầu ngoài tự nhiên.

Ông Thêm khoe: "Với 2 ha luồng, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 2 đợt, còn rừng vầu khai thác được quanh năm. Trước đây, cây luồng được chủ yếu để chống xói mòn, sạt lở đất. Đến giờ, chúng tôi đã thấy được giá trị của loài cây này khi nó mang lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống người dân được nâng lên".

Đời sống người dân các huyện miền núi Thanh Hóa được nâng lên nhờ trồng luồng

Đời sống người dân các huyện miền núi Thanh Hóa được nâng lên nhờ trồng luồng

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, huyện Quan Sơn hiện có khoảng 50.000 ha tre luồng; huyện Quan Hóa gần 28.000 ha (chưa kể khoảng 7.000 ha hỗn giao trong các khu bảo tồn); huyện Lang Chánh 12.900 ha... Với việc khôi phục, trồng mới, chăm sóc những cánh rừng luồng kết hợp trang trại dưới tán rừng, đời sống người dân các huyện miền núi Thanh Hóa được nâng lên rõ rệt, với mức thu nhập ổn định 50-80 triệu đồng/năm.

Nâng tầm giá trị cây luồng

UBND huyện Quan Sơn cho biết phát triển rừng bền vững, trong đó có rừng luồng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đó, những năm qua, huyện Quan Sơn đã tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích luồng hiện có và đẩy mạnh trồng rừng. Đến nay, Quan Sơn trở thành huyện có độ che phủ rừng cao nhất toàn tỉnh, đạt gần 90%.

Ngoài việc quan tâm hỗ trợ phục tráng cây luồng, từ năm 2013 đến nay, huyện Quan Sơn còn đưa vầu - loại cây mọc ngoài tự nhiên - vào rừng để trồng thâm canh. Từ năm 2018, huyện Quan Sơn còn thực hiện dự án phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre luồng. Dự án này do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ triển khai thực hiện.

Đến nay, huyện Quan Sơn đã có trên 10 tổ nhóm nông dân sản xuất với tổng cộng 300 hộ tham gia dự án nêu trên. Các cơ quan liên quan còn tổ chức 14 khóa tập huấn về kỹ năng hoạt động tập thể, lập kế hoạch, vận hành nhóm, kỹ thuật trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC cho 500 lượt học viên. Năng suất tre luồng tại địa phương cũng tăng 60% so với trước.

Không chỉ quan tâm việc phục hồi, phát triển rừng luồng, các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh... còn hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó giúp nâng tầm giá trị loài cây này. Ngoài Công ty Eco Bamboo, nhiều doanh nghiệp đã tin tưởng ký kết hợp đồng mua bán trực tiếp với người dân, giúp cây luồng ổn định đầu ra trên thị trường, tăng thêm thu nhập cho người trồng khoảng 10%.

Trong khoảng 80.000 ha luồng, vầu, giang, nứa ở Thanh Hóa, khoảng 30.000 ha tại 7 huyện: Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy đã được cấp chứng chỉ FSC với sự tham gia của khoảng 5.000 hộ trồng rừng. Từ đó, Thanh Hóa hình thành 6 chuỗi liên kết giữa chủ rừng với các nhà máy chế biến.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, nhờ trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC, người dân được tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, rừng luồng ở địa phương được canh tác theo cách thức mới, xóa bỏ tình trạng trồng tự phát như trước đây. Từ đó, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích trồng luồng gấp nhiều lần, giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rừng, tạo hệ sinh thái bền vững. 

Bình quân mỗi năm, Thanh Hóa cung cấp cho thị trường trên 60 triệu cây luồng (tương đương 1,6 triệu tấn) và 80.000 tấn nguyên liệu đã sơ chế, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Sản phẩm chế biến từ luồng tương đối đa dạng, như bột giấy, tăm, đũa, ván ép, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng...

Thanh Hóa hiện có khoảng 60 doanh nghiệp, cơ sở chế biến luồng. Mỗi năm, các cơ sở này bao tiêu khoảng 30 triệu cây luồng cho người dân.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo