Trải qua vòng phỏng vấn, ban tổ chức chọn ra 90 đại biểu chính thức là sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế đến từ 32 trường đại học, học viện của 11 quốc gia tham dự diễn đàn ISSF lần 8, năm 2024 tổ chức tại TP HCM.
Ngày 2-8, các đại biểu quốc tế đã có mặt tại Học viện Cán bộ TP HCM (quận Bình Thạnh) để tham dự diễn đàn. Tại đây, các đại biểu là sinh viên quốc tế có 2 ngày trải nghiệm tại TP HCM, cùng nhau chia sẻ xoay quanh chủ đề "Thanh niên phát huy vai trò xung kích, tình nguyện vì cộng đồng: Từ địa phương đến toàn cầu".
39 bài tham luận của 32 đơn vị trường học được chia làm 2 tiểu ban: tiểu ban kinh nghiệm, cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động tình nguyện và tiểu ban chuyển đổi số trong các hoạt động tình nguyện. Sinh viên trình bày ý kiến, giải pháp của mình trước hội đồng khoa học thông qua báo cáo bằng poster. 5 đề tài xuất sắc nhất của mỗi tiểu ban tiếp tục chọn vào phiên thuyết trình.
Hội đồng Khoa học tham gia gồm: ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP HCM; GS-TS Lê Văn Cảnh, Trường ĐH Công nghệ TP HCM; PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà khoa học Trẻ TP HCM; PGS-TS Jiraporn Chano, Giảng viên Trường ĐH Mahasarakham; PGS Kanyarat Sonsupap, Trường ĐH Mahasarakham; TS Siti Hafsah Zulkarnain, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Sinh viên, MASMED.
Sinh viên quốc tế tự tin trình bày ý tưởng của mình
Chia sẻ trước hội đồng khoa học, em Nikita Lysenko, sinh viên Nga cho biết Nga và Việt Nam là 2 quốc gia có mối quan hệ hợp tác rất tốt. Thông qua những dẫn chứng, tư liệu đã tìm hiểu trước đó, nhóm sinh viên Nga đưa ra những ý tưởng mới lạ trong giáo dục và hoạt động tình nguyện quốc tế.
Đến với diễn đàn, nhóm sinh viên Maylaysia nghiên cứu các hoạt động tình nguyện đối với giáo dục bền vững thông qua chương trình CINTAI, nhằm mục đích giáo dục học sinh tiểu học về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.
"Bằng cách sử dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, chương trình CINTAI đã nâng cao đáng kể kiến thức và thái độ của học sinh đối với việc bảo vệ môi trường" – nhóm sinh viên chia sẻ.
Không đơn giản là nghiên cứu những hoạt động tình nguyện hiệu quả trong cộng đồng nói chung và giáo dục nói riêng. Nhiều tham luận nêu bật vai trò ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động tình nguyện để tăng sức lan tỏa với cộng đồng.
Diễn đàn ISSF lần 8, năm 2024 do Hội Sinh viên Việt Nam TP HCM, Đại học quốc gia TP HCM, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, cùng sự đồng hành của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup, Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP HCM và Câu lạc bộ các Nhà Khoa học Trẻ TP HCM phối hợp tổ chức.
Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo môi trường giao lưu, học hỏi, trao đổi giữa sinh viên TP HCM, sinh viên quốc tế đang học tập, sinh sống tại Việt Nam và sinh viên quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, diễn đàn mong muốn thúc đẩy chia sẻ trong cộng đồng sinh viên nghiên cứu khoa học những sáng kiến, giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao trách nhiệm và đóng góp của thanh niên đối với những vấn đề xã hội quan trọng trong nước và thế giới.
Đặc biệt, tăng cường mối giao lưu, đoàn kết của sinh viên các nước trong cộng đồng ASEAN, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế.
Diễn đàn giúp sinh viên quốc tế gắn kết với nhau nhiều hơn
Ngoài ra, các đại biểu sẽ được tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam thông qua tham quan các địa điểm: khu đô thị ĐHQG, UBND TP HCM, bảo tàng Hồ Chí Minh, chợ Bến Thành, trải nghiệm hành trình tham quan xe buýt hai tầng vòng quanh thành phố.
Bình luận (0)