Chiều 12-2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền Thủ tướng đã trình Quốc hội tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
![Số lượng cấp phó vượt quy định được giữ tối đa 5 năm khi sắp xếp bộ máy- Ảnh 1. Số lượng cấp phó vượt quy định được giữ tối đa 5 năm khi sắp xếp bộ máy- Ảnh 1.](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/12/nguyen-hai-ninh-1739333444900769408277.jpg)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, trường hợp văn bản hiện hành quy định trách nhiệm phối hợp công tác giữa cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp với cơ quan khác thì cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được sắp xếp chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện nội dung công việc đó theo quy định.
Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục thực hiện các công việc, thủ tục đang được các cơ quan thuộc đối tượng thực hiện sắp xếp thực hiện.
Các văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng, thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, dự thảo quy định không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành việc cần quy định cụ thể thời hạn hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế đối với các văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng quy định thời hạn 3 tháng để rà soát, xác định phương án xử lý văn bản là quá dài bởi hiện tại các cơ quan đều đã cơ bản hoàn thành việc rà soát.
Cũng có ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi đối với quy định về thời hạn 2 năm để hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bởi theo rà soát sơ bộ của các cơ quan thì số lượng văn bản cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới ở cả trung ương và địa phương là rất lớn trong khi chưa rõ cơ chế nào để Chính phủ có thể theo dõi và bảo đảm thực hiện mục tiêu này.
Bình luận (0)