Giai đoạn 2019 - 2024, kinh tế của tỉnh Sóc Trăng liên tục có bước tăng trưởng; riêng 9 tháng đầu năm 2024, ước đạt 6,55%, xếp thứ 5 khu vực ĐBSCL. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,83%; khu vực dịch vụ tăng 6,61%.
Nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép, triển khai thực hiện hiệu quả để đầu tư, nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số được sử dụng lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,65%.
Đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 4 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ với 67 mô hình phát triển sản xuất, góp phần đa dạng hoá sinh kế cộng đồng và giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 4.116 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%/năm.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 14.826 căn nhà dành cho hộ nghèo; trong đó, có 6.184 căn nhà dành hộ nghèo người dân tộc thiểu số.
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, 100% xã vùng có đông dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng giáo dục, các chế độ, chính sách hỗ trợ ăn ở, học tập cho học sinh người dân tộc thiểu số cũng được quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để trùng tu, đầu tư nâng cấp, cải tạo các di tích, công trình kiến trúc đặc trưng, nhất là các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, góp phần gìn giữ các giá trị lịch sử văn hoá, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ gắn với phát triển du lịch văn hoá tâm linh. Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chế độ, chính sách đối với người có uy tín được cấp uỷ, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm thực hiện tốt. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, cung cấp báo, tạp chí để kịp thời nắm thông tin; tham quan học tập kinh nghiệm; hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế; hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần vào các dịp lễ, tết; biểu dương, khen thưởng, khích lệ người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2019 - 2024, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Theo đó, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; lao động là người dân tộc thiểu số còn thiếu việc làm, việc làm không ổn định. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với bình quân chung của tỉnh nên việc phấn đấu giảm ấp đặc biệt khó khăn chưa đạt yêu cầu.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết tỉnh luôn xác định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đồng thời, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào các dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh.
Bình luận (0)