Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances tiết lộ về công nghệ "vữa sống" gây kinh ngạc được nhà Minh sử dụng để xây Vạn Lý Trường Thành.
Nhóm tác giả dẫn đầu bởi GS Bo Xiao từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ đất đai thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc đã tìm ra bí mật thông qua phân tích mẫu từ 8 đoạn khác nhau của kỳ quan này.
Tám đoạn Vạn Lý Trường Thành trong nghiên cứu đều được xây dựng từ năm 1368 đến 1644 dưới triều Minh.
67% các mẫu này được xác định là có chứa vật liệu sinh học.
So sánh độ bền cơ học tường thành ở khu vực làm bằng "vữa sống" với các đoạn đất nện thuần túy bằng các thiết bị cơ khí tại chỗ cũng như trong phòng thí nghiệm, các tác giả nhận thấy các đoạn bằng "vữa sống" có độ bền gấp ba lần.
Phân tích chi tiết thành phần, họ phát hiện vữa sống này chứa các loài vi khuẩn lam, rêu và địa y.
Chúng đã được các công nhân đưa vào vữa một cách có chủ ý trong quá trình xây dựng.
Sau hàng thế kỷ, sự phát triển của các sinh vật bé nhỏ này và các chất chúng tiết ra như polymer đã hình thành một lớp vỏ sinh học cực kỳ bền chắc, giúp tăng cường độ ổn định cấu trúc của các đoạn trường thành này, khiến đất nện trở nên bền như bê tông.
Điều này đã giúp giải thích bí ẩn khổng lồ liên quan đến sự bền vững bí ẩn của tòa thành: Cho dù đất nện trộn sỏi - vật liệu chủ yếu của Vạn Lý Trường Thành - dễ xói mòn hơn đá nhiều, nhưng nó vẫn bền vững bất chấp thời gian.
Theo Live Science, dù kém bền nhưng chính đất nện mới giúp thúc đẩy sự hình thành "vỏ sinh học" từ vữa sống. Lớp vỏ này ngày càng bền chắc theo thời gian, ngăn chặn sự xói mòn.
Ngoài ra, kỹ thuật làm "vữa sống" thời nhà Minh này là một phát hiện đầy kinh ngạc, cho thấy sự phát triển ngoạn mục về khoa học kỹ thuật - bao gồm những thứ tưởng chừng như hiện đại như việc tận dụng vật liệu sinh học - đã được người Trung Quốc ứng dụng từ rất lâu.
Bình luận (0)