Vài phút sau khi phóng từ cơ sở Starbase ở bang Texas - Mỹ, bộ đẩy của tên lửa đã rơi xuống vịnh Mexico thành công. Việc quay trở lại có kiểm soát của bộ đẩy là chìa khóa cho mục tiêu dài hạn của SpaceX - có thể phóng và hạ cánh Starship thường xuyên.
Trong khi đó, khoảng 1 giờ sau khi phóng, Starship vẫn "sống sót" khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất, chịu được các thiệt hại do sức nóng khổng lồ trong quá trình ma sát với khí quyển, theo CNBC. SpaceX xác nhận tên lửa sau đó đã lao xuống Ấn Độ Dương, hoàn tất sứ mệnh.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đang tăng tốc với tên lửa Ariane 6, dự kiến được phóng lần đầu tiên vào ngày 9-7 tới. Trước đó, 22 quốc gia tham gia ESA đã đồng thuận phát triển Ariane 6 vào năm 2014 để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong thị trường phóng tên lửa, vệ tinh.
Tên lửa mới ban đầu dự kiến ra mắt năm 2020 nhưng kế hoạch này nhiều lần bị trì hoãn. Vào năm 2023, tên lửa Ariane 5 nghỉ hưu mà không có phiên bản mới thay thế, khiến châu Âu không có tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Bên cạnh tên lửa, lĩnh vực phát triển tàu vũ trụ cũng đang nóng khi một đối thủ của SpaceX là Boeing vừa đạt được tiến bộ mới.
Hôm 6-6, tàu vũ trụ CST-100 Starliner của Boeing mang theo 2 phi hành gia đã "cập bến" Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) an toàn, sau hành trình kéo dài 27 giờ kể từ khi được phóng từ Trạm Lực lượng không gian Cape Canaveral ở bang Florida - Mỹ.
Bình luận (0)