xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sông, rạch bị xâm lấn

QUỐC ANH - ANH VŨ

TP HCM có 111 tuyến sông, rạch với khoảng 1.000 km mang chức năng giao thông thủy. Để phát huy tốt nhất những giá trị của sông, rạch, rất cần sự nghiêm khắc đối với tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ, xây dựng không phép... đang diễn ra.

Những điểm ăn chơi ngoạm vào sông

Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy nhiều đoạn sông chảy trong lòng thành phố bị "gặm" nham nhở bởi những công trình.

Nửa cuối tháng 5, xuôi theo đường Cầu Đình, chúng tôi rẽ vào đường số 5, phường Long Phước, TP Thủ Đức, TP HCM. Đây là nơi một đoạn sông Đồng Nai chảy qua.

Nhộn nhịp khách "chữa lành"

Sử dụng thiết bị quan sát từ trên cao dễ thấy công trình của Công ty TNHH Vietgangz Glamping Club đã lấn ra sông. Công trình này rộng hơn 10.000 m2 với sân rộng, lều trại, vườn thú mini, khu liên hoàn trò chơi trẻ em, khu vực chơi bóng rổ, bóng chuyền, hồ bơi, câu cá, chèo sup (một môn thể thao dưới nước)... Vào thời điểm ghi nhận, nơi đây đang hoạt động, khách ra vào nhộn nhịp.

Công trình Vietgangz Glamping Club được biết đến là khu cắm trại, ăn uống gần gũi thiên nhiên, là nơi "chữa lành" (một trào lưu gần đây) ở ngay TP HCM. Khoảng 1 năm nay, địa chỉ này khá nổi tiếng bởi tần suất quảng cáo dồn dập trên mạng xã hội. 

Ở đường số 1, phường Long Phước, công trình Savora Farm & Glamping rộng khoảng 10.000 m2 của doanh nghiệp tư nhân thương mại - dịch vụ Savora. Chi phí qua đêm tại đây khoảng 800.000 đồng/người. So với đoạn bờ sông xung quanh, dễ thấy công trình đã "nhào" ra mặt sông.

Để được "chữa lành", khách hàng bỏ ra từ 100.000 đồng cho vé vào cổng, cộng phần nước; hoặc hơn 1,5 triệu đồng/người nếu sử dụng trọn dịch vụ gồm qua đêm. 

"Họ liều xây đó! Ở đây làm gì có chuyện được tự do lấn ra sông như vậy" - anh N.V.H, người dân ở TP Thủ Đức, nói với chúng tôi.

Cách đó không xa, việc tương tự diễn ra ở công trình Rio Glamping của Công ty TNHH Long Phước Invest. Dù không rộng bằng Vietgangz Glamping Club song Rio Glamping cũng có hàng chục lều cắm trại, nơi chèo thuyền, câu cá, hát karaoke... Chi phí trọn một ngày ở đây khoảng 700.000 đồng/người.

Công trình A New Day Glamping (phải) và công trình Rio Glamping (trái) sát sông Đồng Nai Ảnh: ANH VŨ

Công trình A New Day Glamping (phải) và công trình Rio Glamping (trái) sát sông Đồng Nai Ảnh: ANH VŨ

Quan sát thêm gần đó, công trình A New Day Glamping được chủ kinh doanh giới thiệu là "tỉnh dậy ở một nơi xa lạ là một cảm giác tuyệt vời nhất thế giới và A New Day sẽ mang theo những hy vọng mới với những trải nghiệm thú vị và ấn tượng". Khu vực này rộng hơn 10.000 m2. Để hút khách, nơi đây phục vụ bắn cung, bóng rổ, cầu lông, chèo sup, câu cá...

Chặn đường ra mặt nước

Chạy xe máy hơn 3 km dọc đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức), chúng tôi thấy hai bên là những dãy biệt thự, chung cư cao cấp, hàng quán sát bờ sông Sài Gòn...

Tuyến đường này có nhiều con hẻm nhưng không dễ dàng gì tiếp cận được sông do những khu biệt thự che chắn. Một vài con hẻm dẫn ra mặt nước thì hàng rào gỗ, bê-tông, kính chắn lối... Để hưởng gió và ngắm sóng xô vào bờ, người dân chỉ có thể vào nhà hàng hay quán cà phê cuối hẻm.

Đứng từ đường Nguyễn Văn Hưởng nhìn ra rạch Ông Dí, bằng mắt thường có thể nhận thấy đoạn chảy ra sông Sài Gòn bị thu hẹp dòng đáng kể. Án ngữ nơi đây là căn biệt thự quay mặt ra bờ sông.

Còn đi bằng buýt sông Sài Gòn, hình ảnh rất rõ là những dãy biệt thự nguy nga, hoành tráng vươn ra từ phía phường Thảo Điền. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài cầu tàu kết nối khu này với sông.

Đoạn từ cầu Sài Gòn về bến tàu Linh Đông (phường Linh Đông, TP Thủ Đức) ghi nhận nhiều quán nhậu, nhà hàng, cà phê nằm sát sông... Nhiều đoạn được xây dựng bờ kè nhưng cũng có nhiều nơi công trình xuống cấp, bị sạt lở, nước nhấn chìm. Phía bờ trái, hướng về thượng nguồn, nhiều đoạn vẫn là vùng đất trống, cỏ dại, cây cối um tùm...

Hàng loạt vi phạm

Hồi cuối tháng 3-2024, Thanh tra TP Thủ Đức có kết luận thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại UBND phường Long Phước, TP Thủ Đức. Kết luận thanh tra cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 1-7-2022 đến 30-9-2023 có 36 trường hợp vi phạm. Trong số này, 12 trường hợp cá nhân lấn chiếm sông, rạch, với 4 trường hợp đã khắc phục hiện trạng nhưng 8 trường hợp còn lại vẫn chưa. Ngoài ra, qua kiểm tra thực địa, tiếp tục phát sinh việc lấn chiếm sông, rạch mà UBND phường Long Phước không kiểm tra, phát hiện, xử lý.

Với riêng phường Thảo Điền, kết luận thanh tra của Thanh tra TP Thủ Đức hồi tháng 11-2023 về công tác quản lý trật tự xây dựng năm 2021-2022 chỉ ra hàng loạt sai phạm khi nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, rạch. Theo đó, đoàn thanh tra phát hiện 1 công trình chưa lập hồ sơ xử lý đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Đây là công trình do bà N.T.T làm chủ đầu tư, đã lấn chiếm hành lang bảo vệ rạch Ông Dí và xây dựng bờ kè lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.

Một công trình khác do bà N.D.H.N làm chủ đầu tư. Công trình này đã xảy ra việc xây dựng không phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Thời điểm xây dựng là tháng 6-2013 và tới nay thì đã hoàn thiện...

Công trình sát bờ sông Sài Gòn nhìn từ buýt sông Ảnh: QUỐC ANH

Công trình sát bờ sông Sài Gòn nhìn từ buýt sông Ảnh: QUỐC ANH

Trước đây, phường Thảo Điền từng nổi tiếng với một dự án khu dân cư thấp tầng bị xử phạt đến 1 tỉ đồng vì xây dựng sai phép, tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch ông Hóa lên đến 1.400 m2. Theo ghi nhận, hiện nay bên cạnh vài công trình xây dựng có dấu hiệu chững lại, nhiều công trình khác ven sông Sài Gòn tiếp tục được xây. 

Hơn 100 trường hợp vi phạm, lấn chiếm

Báo cáo của Trung tâm Quản lý đường thủy - Sở Giao thông Vận tải TP HCM về việc tăng cường công tác xử lý công trình xây dựng không phép trên hành lang an toàn bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố hồi tháng 2-2023 cho thấy tổng số trường hợp công trình xây dựng, san lấp lấn chiếm và vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP HCM là 107 trường hợp. Trong đó, huyện Bình Chánh 30 trường hợp, huyện Nhà Bè 25 trường hợp, TP Thủ Đức là 18 trường hợp, quận 12 có 8 trường hợp, huyện Củ Chi 7 trường hợp...

Dự án khu nhà ở thấp tầng này từng bị xử phạt mức tiền 1 tỉ đồng Ảnh: QUỐC ANH

Dự án khu nhà ở thấp tầng này từng bị xử phạt mức tiền 1 tỉ đồng Ảnh: QUỐC ANH

Còn báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM về kết quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 cho thấy tình hình xây dựng, san lấp lấn chiếm sông, kênh, rạch và vi phạm hành lang bảo vệ bờ tính đến cuối năm 2023 là 104 trường hợp. Cụ thể, 63 trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch; 41 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông (chiếu theo Quyết định 22/2017 của UBND TP HCM).

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo