Trong cơn mưa một ngày nửa đầu tháng 8-2023, chúng tôi tìm đến rạch Giồng Ông Tố, TP Thủ Đức, TP HCM. Tại dòng chảy tiếp giáp phường Bình Trưng Tây và phường An Phú này, khoảng 1 km 2 bên bờ là hình ảnh nhiều căn nhà liêu xiêu ngả về hướng mặt nước như chực chờ đổ sập. Vài căn trống trải nằm cheo leo bên hàm ếch do sạt lở càng mang lại cảm giác đìu hiu...
Hai bờ rạch Giồng Ông Tố. Ảnh: ANH VŨ
Nơm nớp bên bờ kênh
Trong những cuộc trò chuyện, người dân ở đây cho biết bị tình trạng sạt lở "hành hạ" hơn 10 năm. Quãng thời gian đó, nước ăn vào bờ bao nhiêu thì nỗi lo lắng nhiều thêm bấy nhiêu.
Anh Đỗ Bình Sơn kể rất lâu rồi anh và những hộ sống ven 2 bờ rạch luôn trong tình trạng thấp thỏm, đặc biệt là vào mùa mưa. Người đàn ông nhớ lại một đêm 2 năm trước, đang ngủ thì nghe tiếng xào xạc của gió cùng âm thanh ì oạp của nước. Vội vùng dậy kiểm tra, cả gia đình tá hỏa khi thấy lỗ hổng dưới sàn bếp, gạch vỡ tung, khoảng 10 m2 lần lượt sụp xuống rạch. Sau khi trấn tĩnh, mọi người dọn dẹp đồ đạc và lên kế hoạch đợi trời sáng khắc phục.
Chị Lan Phương ở phường Bình Trưng Tây góp ý nếu sạt lở được chống tốt bằng bờ kè kiên cố cộng với việc đầu tư không gian xanh bên trên, làm sạch và thoáng môi trường nước bên dưới thì những lợi ích về kinh tế, dịch vụ, du lịch... tự động đến, mà khu vực Bến Bạch Đằng là minh chứng.
Cách đó không xa là nhà bà Hường. Bà Hường nói đã ở đây hơn 30 năm, gia đình từng có mảnh đất rộng hơn 100 m2 nhưng sạt lở đã lấy đi phần lớn. Sau sự cố, bà đã tự đóng cọc, mua bao đất đắp sát mép bờ sông để cố giữ phần đất còn lại.
"Tôi đang chờ được chính quyền khi làm dự án chống sạt lở thì bồi thường để có tiền dọn tới nơi khác, chứ mãi thế này thì chẳng thể an tâm. Lỡ đang ngủ mà rớt xuống sông thì thật nguy" - bà Hường nêu viễn cảnh đầy sợ hãi.
Rời rạch Giồng Ông Tố, chúng tôi tới bờ kè kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh). Sự cố sạt lở hồi tháng 6 vừa qua để lại hình ảnh 15 căn bị lún, tường nứt, xiêu vẹo...
Ngụ hẻm 886, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Vọng Cát (69 tuổi) nói trong số 15 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp có 7 hộ đã di dời tạm đến chung cư tái định cư số 4 Phan Chu Trinh (phường 12, quận Bình Thạnh), 6 hộ chủ động tự di dời đến nơi ở khác, 2 hộ xin ở lại trong đó có gia đình ông.
"Tôi chuyển về đây từ năm 2000, có 6 con nhưng đã ra ngoài thuê trọ. Vợ chồng tôi làm nghề buôn bán nên không thể di dời. Tôi đang chờ hỗ trợ chỗ ở mới hoặc được làm kiên cố lại bờ kè để có thể buôn bán, mưu sinh" - ông Cát nói.
Kênh Thanh Đa “ngoạm” vào nhiều công trình
Tiếng nói từ địa phương
Một trong 8 vị trí sạt lở đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2022 mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM "gọi tên" là bờ trái cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè khi phạm vi ảnh hưởng khoảng 6.000 m2 với nhiều cụm dân cư sinh sống.
Ghi nhận ngày 17-8-2023 cho thấy nhà ở nơi đây đều xuống cấp bởi không ai dám sửa sang vì chưa biết số phận sẽ ra sao. Ông Nguyễn Văn Tôn, một người dân, cho biết nhà ông đông người, ở đây đã hơn 20 năm. Mấy lần sạt lở trước gia đình đã gia cố, sửa chữa và căn nhà càng thu nhỏ, chật chội.
Ông Tôn trần tình biết là "sống chung với nguy hiểm" nhưng ông cũng như nhiều hàng xóm cần tường tận thông tin dự án chống ngập ở đây ra sao, mức bồi thường thế nào thì mới an tâm di dời.
Còn tại huyện Củ Chi, UBND huyện này vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề xuất khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Tra thuộc ấp 8, xã Bình Mỹ. Theo UBND huyện Củ Chi, hiện trạng bờ sông Rạch Tra (đoạn từ cầu Đá Hàng đến cầu Xáng) dài 600 m có nhiều vị trí bờ bị nứt, nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng.
Huyện Củ Chi cho rằng đoạn sông này có nhiều tàu lớn và sà lan chở cát, đá, vật liệu xây dựng với tải trọng lớn. Trong quá trình vận chuyển, các phương tiện quay đầu đã tạo áp lực nước mạnh về phía bờ sông gây ra tình trạng sạt lở.
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân quanh khu vực, UBND huyện Củ Chi đề nghị Sở GTVT tăng cường kiểm tra trọng tải các tàu, sà lan chở vật liệu trên đoạn sông này và sớm có biện pháp gia cố, khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Tra.
32 điểm sạt lở ở TP HCM năm 2022. Nội dung: QUỐC BẢO; Đồ họa: LÊ DUY
Kế hoạch "giải cứu"
Đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết các đoạn sông, kênh, rạch tùy phân cấp quản lý tại Quyết định 40/2019 của UBND TP mà do địa phương hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quản lý, trong đó Sở GTVT có trách nhiệm ở nhiều đoạn sông. Quá trình theo dõi, khảo sát, sở kiến nghị UBND TP chấp thuận, trình HĐND TP thông qua chủ trương xây dựng, đầu tư nâng cấp 1 số đoạn kè có nguy cơ sạt lở cao.
Cụ thể, Sở GTVT đã đề xuất đầu tư 3 dự án xây kè bờ sông Cần Giuộc, Chợ Đệm và Sài Gòn với tổng vốn hơn 600 tỉ đồng từ ngân sách TP nhằm chống sạt lở cho khu vực. Mới đây, trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp tại đoạn 1.1 kè kênh Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng kiên cố tuyến kè 478 m này nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng người dân trong khu vực bị sạt lở.
"Ngoài giải pháp xây kè thì Sở GTVT kiến nghị Phòng CSGT Đường thủy - Công an TP, lực lượng chức năng tại địa phương, Thanh tra Sở NN-PT-NT và Thanh tra Sở GTVT tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch và tàu thuyền vi phạm trong khu vực sạt lở" - đại diện Sở GTVT cho biết.
Là một trong những đơn vị thực hiện các dự án kè sông, giảm sạt lở, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết đơn vị đang triển khai 15 dự án xây dựng kè chống sạt lở sông, kênh, rạch tập trung tại quận Bình Thạnh, 3 huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Bình Chánh. Trong đó, 5 dự án không vướng mặt bằng.
10 dự án còn lại vướng mặt bằng thi công nằm tại 2 huyện Nhà Bè và Bình Chánh, đơn vị đã làm việc với 2 địa phương để tháo gỡ. Theo kế hoạch, quý IV năm nay sẽ có mặt bằng, năm 2024 đẩy nhanh tiến độ dự án.
"Bắt bệnh" để "kê đơn"
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, cho rằng chống sạt lở thì cần xác định được nguyên nhân gây ra sạt lở. Trong các nguyên nhân có dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng bởi mưa lũ... Khi nước xói vào bờ sẽ tạo hàm ếch, hiện tượng sạt lở xuất hiện và qua thời gian sẽ trầm trọng hơn.
Do vậy, chống sạt lở cần mang tính đồng bộ gồm không khai thác tài nguyên cát bừa bãi ở lòng sông, tập trung gia cố các bờ sông bằng kè, đá, trồng cây... "Chống sạt lở thì cần nghiên cứu một nhóm giải pháp chứ không thể riêng biệt, đơn lẻ. Do vậy, phải xác định vấn đề nào là chủ đạo, điều nào cần làm trước, làm sau..." - TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.
47 tỉ đồng cho 17 công trình dân sinh
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương gia cố, tu sửa cấp bách 17 công trình phòng, chống thiên tai xung yếu trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận Tân Bình và TP Thủ Đức với tổng kinh phí thực hiện hơn 47 tỉ đồng.
Những công trình này sau khi được đầu tư hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả phòng, chống triều cường, ngập úng, tiêu thoát nước, bảo vệ cho các khu vực có tổng diện tích 79 ha và bảo vệ cho khoảng 4.391 hộ dân.
Quốc Bảo
Bình luận (0)